Làm thế nào để lấy lại tiền khi không xin được việc?

Tôi học và tốt nghiệp trường y ra, có người gần nhà hứa sẽ xin việc làm tại bệnh viện huyện với số tiền 100 triệu. Cũng vì tin tưởng nên gia đình tôi đã đưa cho họ 100 triệu từ cuối năm 2014 và có viết giấy biên nhận tiền. Vì thời gian đợi việc quá lâu nên giữa năm 2015 gia đình tôi có ý định rút lại tiền thì người ta nói phải mất 200 triệu mới xin được. Thấy bị lừa gia đình tôi đòi rút lại số tiền đã đưa nhưng người ta nói bên trên họ chưa trả, mãi đến cuối năm 2016 mới trả lại 20 triệu. Đến bây giờ gia đình tôi vẫn chưa đòi được số tiền. Xin luật sư tư vấn giúp gia đình tôi.

(Bạn đọc H. T. T – Nam Định)

 

Luật sư tư vấn:

Theo tình huống bạn đưa ra, bạn đang nhờ người xin việc vào làm việc tại bệnh viện huyện với số tiền 100 triệu đồng.

Theo quy định của pháp luật về viên chức, việc tuyển dụng viên chức phải thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển. Người được tuyển dụng phải đạt số điểm theo yêu cầu nếu thi tuyển hoặc phải đáp ứng các nội dung như kết quả học tập; điểm tốt nghiệp; trình độ chuyên môn; kỹ năng thực hành… nếu xét tuyển. Việc tuyển dụng viên chức chỉ yêu cầu nộp mức lệ phí thi tuyển/xét tuyển từ 300.000 đồng – 500.000 đồng/hồ sơ (theo Thông tư số: 228/2016/TT-BTC, của Bộ Tài chính). Không có quy định nào yêu cầu phải nộp mức chi phí lên tới 100.000.000 đồng để được xét tuyển. Ngoài ra, việc tuyển dụng viên chức phải thông qua hội đồng tuyển dụng với các quy định hết sức nghiêm ngặt.

Từ các căn cứ đã nêu, kết hợp với tình tiết mà bạn đưa ra, có thể nói người bạn nhờ không có khả năng, quyền hạn trong việc tuyển dụng, cố ý sử dụng việc tuyển dụng nhằm mục đích trục lợi. Việc này có dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cụ thể như sau:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

Có tổ chức;

Có tính chất chuyên nghiệp;

Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Như đã phân tích, người bạn nhờ xin việc đã có hành vi gian dối, mặc dù không có khả năng xin việc nhưng vẫn hứa xin việc và nhận tiền của bạn. Hành vi này có thể cấu thành tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS như đã dẫn chiếu ở trên.

Để yêu cầu trả lại số tiền 100.000.000 đồng mà bạn đã đưa cho người xin việc, bạn có thể trình báo cơ quan Công an cấp huyện nơi người mà bạn nhờ xin việc cư trú. Trong đơn trình báo ngoài yêu cầu về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật, bạn có thể yêu cầu mà bạn nhờ xin việc hoàn trả số tiền 100.000.000 đồng và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Sau quá trình điều tra, nếu xác định có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ hoàn thiện hồ sơ, chuyển cho các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục xử lý, khi đó, quyền lợi của bạn sẽ được bảo đảm.

Luật sư Phạm Thị Thu