Những trường hợp được rút ngắn thời gian thử thách án treo?

1. Như thế nào là thời gian thử thách án treo?

Thời gian thử thách án treo được hiểu là khoảng thời gian cần thiết nhằm để cho người được hưởng án treo trong điều kiện không bị cách ly khỏi đời sống xã hội và được Toà án quy định có thể chứng minh được sự cải tạo của bản thân trong việc chấp hành nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ học tập dưới sự giám sát và giáo dục của các tổ chức, cơ quan, chính quyền địa phương được Toà án chỉ định giao trách nhiệm. 

2. Điều kiện và các trường hợp rút ngắn thời gian thử thách án treo

Khoản 4, Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Điều 89 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 thì điều kiện để người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách khi đáp ứng các điều kiện sau đây: 

(1) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách;

(2) Trong thời gian thử thách: người được hường án treo đã chấp hành nghiệm chỉnh pháp luật, các nghĩa vụ, cụ thể: 

+ Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành theo quy định

+ Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, trong việc thực hiện các nội quy, quy chế nơi cư trú, nơi làm việc, học tập, nghĩa vụ công dân; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Ngoại trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thầm quyền xác nhận

+ Chấp hành quy định về việc giải quyết vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo (tại Điều 92 của Luật Thi hành án Hình sự năm 2019).

+ Chịu sự giám sát, giáo dục của đơn vị quân đội, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.

+ Theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thì phải có mặt.

+ Phải báo cáo bằng văn bản với đơn vị quân đội, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình hằng tháng. Trường hợp vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 dưới đây thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.

+ Tích cực lao động, học tập, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, trật tự được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

3. Những lưu ý trong việc rút ngắn thời gian thử thách án treo

– Người được hưởng án treo chỉ được xét rút ngắn thời gian thử thách mỗi lần từ 01 tháng đến 01 năm, mỗi năm 01 lần.

Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần nhưng cần phải bảo đảm thực tế đã chấp hành ba phần tư thời gian thử thách.

Đối với các trường hợp thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

– Thời gian thử thách đã được rút ngắn không được tính để trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù đối với các trường hợp người được hưởng án treo đã được rút ngắn thời gian thử thách nhưng sau đó vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 87 của Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 đã nêu trên và bị Tòa án quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

– Trường hợp người được hưởng án treo bị bệnh hiểm nghèo hoặc lập công và đáp ứng đầy đủ các điều kiện để rút ngắn thời gian thử thách án treo nêu trên thì Tòa án có thể rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.
Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin:
– Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
– Email: luatso1hanoi@gmail.com
– Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
– Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.