Đình công được thực hiện theo trình tự nào? Rút đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công

1.Đình công được thực hiện theo trình tự nào?

Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Lao động 2012 thì đình công được thực hiện thông qua ba bước như sau

Bước 1: Lấy ý kiến tập thể lao động

Đối với tập thể lao động có tổ chức công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở và tổ trưởng các tổ sản xuất. Nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của tổ trưởng các tổ sản xuất hoặc của người lao động.

Việc tổ chức lấy ý kiến có thể thực hiện bằng phiếu hoặc chữ ký.

Nội dung lấy ý kiến để đình công bao gồm:

– Phương án của Ban chấp hành công đoàn về nội dung quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 213 của Bộ luật lao động 2012;

– Ý kiến của người lao động đồng ý hay không đồng ý đình công.

Ban chấp hành công đoàn quyết định thời gian, hình thức lấy ý kiến và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày.

Bước 2: Ra quyết đị​nh đình công

Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của Ban chấp hành công đoàn đưa ra thì Ban chấp hành công đoàn ra quyết định đình công bằng văn bản.

Quyết định đình công phải có các nội dung sau đây:

– Kết quả lấy ý kiến đình công;

– Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;

– Phạm vi tiến hành đình công;

– Yêu cầu của tập thể lao động;

– Họ tên của người đại diện cho Ban chấp hành công đoàn và địa chỉ liên hệ để giải quyết.

Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, Ban chấp hành công đoàn gửi quyết định đình công cho người sử dụng lao động, đồng thời gửi 01 bản cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, 01 bản cho công đoàn cấp tỉnh.

Bước 3: Tiến hành đình công

Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì Ban chấp hành công đoàn tổ chức và lãnh đạo đình công.

2. Có được rút đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công?

Bộ Luật Lao động năm 2012 không có quy định cụ thể về trường hợp rút đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Tuy nhiên, tại Điều 364 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về Trả lại đơn yêu cầu, cụ thể:

Trong trường hợp Tòa án chưa thụ lý thì Tòa án trả lại đơn trong các trường hợp sau:

  • Người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
  • Sự việc người yêu cầu yêu cầu đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết; 
  • Sự việc dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
  • Người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 363 của Bộ luật này;
  • Người yêu cầu không nộp lệ phí trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 4 Điều 363 của Bộ luật này, trừ trường hợp không được miễn hoặc không phải nộp lệ phí hoặc chậm nộp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
  • Người yêu cầu rút đơn yêu cầu
  • Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đơn yêu cầu xét tính hợp pháp cuộc đình công có thể rút trong trường hợp người rút đơn yêu cầu.

Bên cạnh đó, trong trường hợp Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc Đình công thì đơn yêu cầu đó sẽ bị Tòa án đình chỉ trong trường hợp bên yêu cầu rút đơn yêu cầu (theo khoản 1 Điều 228 Bộ Luật Lao động 2012 )

3. Thẩm quyền giải quyết

Thuật ngữ khiếu nại Quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công được quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2012, trong khi đó Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 lại quy định đây là thủ tục kháng cáo Quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công. Về bản chất, hai thủ tục này là một và cùng quy định về quyền khiếu nại (kháng cáo) tập thể lao động/người sử dụng lao động sau khi đã có Quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công của Tòa án.

Cụ thể hơn, theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Bộ Luật Lao động năm 2012:

“1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công, Ban chấp hành công đoàn, người sử dụng lao động có quyền gửi đơn khiếu nại lên Toà án nhân dân tối cao.”

Tại Khoản 1 Điều 412 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015:

“…Tập thể lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thi hành quyết định của Tòa án nhưng có quyền kháng cáo; Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định đó.”

Như vậy, sau khi có Quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công, tập thể lao động/người lao động có quyền khiếu nại (kháng cáo) về Quyết định này.

Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại (kháng cáo) Quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công, Khoản 2 Điều 225, Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định:

“Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công.”

Cùng với sự ban hành của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, pháp luật quy định thêm Tòa án Nhân dân cấp cao có chức năng “Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.”

Cùng với đó, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định: “Ngay sau khi nhận đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công, Tòa án nhân dân cấp cao phải có văn bản yêu cầu Tòa án đã xét tính hợp pháp của cuộc đình công chuyển hồ sơ vụ việc để xem xét, giải quyết.”

Như vậy, thẩm quyền giải quyết khiếu nại (kháng cáo) Quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công thuộc về Tòa án nhân dân cấp cao.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!