06 Tranh chấp lao động được kiện thẳng ra Toà án, không cần hoà giải

1. CÁC TRANH CHẤP LAO ĐỘNG ĐƯỢC KIỆN THẲNG RA TOÀ, KHÔNG CẦN HOÀ GIẢI

Theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, các trường hợp tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết mà không cần qua bước hòa giải bao gồm:

1) Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

2) Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.

3) Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động.

4) Tranh về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

5) Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

6) Tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Nếu thuộc các trường hợp này, người lao động hoặc người sử dụng lao động có thể kiện thẳng ra Tòa theo thủ tục tố tụng dân sự.

Các trường hợp còn lại đều phải thực hiện hòa giải nhờ hòa giải viên lao động theo đúng trình tự, thủ tục tại Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019.

2. TOÁ ÁN NÀO CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

*Về thẩm quyền theo cấp Toà án:

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về lao động ở cấp sơ thẩm.

Riêng các tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh ở cấp sơ thẩm.

*Về thẩm quyển theo lãnh thổ:

Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.

Theo quy định này, khi xảy ra tranh chấp lao động, Tòa án tiếp nhận yêu cầu khởi kiện của các bên được xác định như sau:

– Các bên không có thỏa thuận: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc (bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (bị đơn là cơ quan, tổ chức).

– Các bên có thỏa thuận: Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn (nguyên đơn là cá nhân) hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn (nguyên đơn là cơ quan, tổ chức).

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin:

– Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933

– Email: luatso1hanoi@gmail.com

– Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN

– Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.