Vai trò của Công đoàn khi khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án

I. TRANH CHẤP VỀ LAO ĐỘNG, TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN LAO ĐỘNG, YÊU CẦU VỀ LAO ĐỘNG MÀ CÔNG ĐOÀN THAM GIA GIẢI QUYẾT

Những tranh chấp về lao động (TCLĐ), tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS), được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ). Những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 33 BLTTDS.

Văn bản này chỉ hướng dẫn Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết các TCLĐ, tranh chấp liên quan đến lao động và các yêu cầu về lao động sau đây:

1. Tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động

– TCLĐ cá nhân giữa người lao động (NLĐ) với người sử dụng lao động (NSDLĐ);

– TCLĐ tập thể về quyền theo quy định của pháp luật lao động;

– Tranh chấp về kinh phí công đoàn;

– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp;

– Các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu về lao động

– Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động (HĐLĐ), thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) vô hiệu;

– Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

II. VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐOÀN KHI KHỞI KIỆN VÀ THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN LAO ĐỘNG, VIỆC LAO ĐỘNG TẠI TÒA ÁN

Vai trò của Công đoàn khi khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án được quy tại điểm c khoản 2 Điều 75; Điều 88 và điểm d khoản 1 Điều 209; khoản 2 Điều 187; khoản 1 Điều 401; khoản 1 Điều 403 BLTTDS. Theo các điều luật này, vai trò của công đoàn các cấp được thể hiện cụ thể như sau:

1. Công đoàn cơ sở

– Khởi kiện và tham gia giải quyết vụ án tranh chấp về kinh phí công đoàn tại Tòa án.

– Khởi kiện và tham gia giải quyết TCLĐ cá nhân tại Tòa án nếu được NLĐ ủy quyền.

– Khởi kiện và tham gia giải quyết TCLĐ tập thể về quyền tại Tòa án.

– Yêu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

– Cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.

– Cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động theo chỉ định của Tòa án.

– Cử đại diện tham gia vào phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo yêu cầu của NLĐ.

2. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở

– Khởi kiện và tham gia giải quyết vụ án tranh chấp về kinh phí công đoàn tại Tòa án.

– Khởi kiện và tham gia giải quyết TCLĐ cá nhân tại Tòa án nếu được NLĐ ủy quyền.

– Khởi kiện và tham gia giải quyết TCLĐ tập thể về quyền nếu được CĐCS ủy quyền.

– Yêu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

– Cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, CĐCS nếu được NLĐ, CĐCS đề nghị.

– Cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động theo chỉ định của Tòa án.

– Cử đại diện tham gia vào phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo yêu cầu của NLĐ. Nếu không tham gia được, phải có ý kiến bằng văn bản.

3. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

– Khởi kiện và tham gia giải quyết vụ án tranh chấp về kinh phí công đoàn tại Tòa án.

– Khởi kiện và tham gia giải quyết TCLĐ cá nhân tại Tòa án nếu được NLĐ ủy quyền.

– Khởi kiện và tham gia giải quyết các TCLĐ tập thể về quyền tại Tòa án nếu được CĐCS ủy quyền.

– Yêu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

– Cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, CĐCS, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nếu được NLĐ, CĐCS, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đề nghị.

– Cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động theo chỉ định của Tòa án.

– Cử đại diện tham gia vào phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo yêu cầu của NLĐ. Nếu không tham gia được, phải có ý kiến bằng văn bản.

III. TƯ CÁCH CỦA CÔNG ĐOÀN KHI THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN LAO ĐỘNG, VIỆC LAO ĐỘNG TẠI TÒA ÁN

1. Đương sự

Công đoàn có thể tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án với tư cách đương sự trong vụ án lao động (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và đương sự trong việc lao động (người yêu cầu giải quyết việc lao động và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Khi tham gia với tư cách là đương sự trong vụ án lao động, việc lao động, Công đoàn có quyền, nghĩa vụ được quy định tại các Điều 70, 71, 72, 73 BLTTDS.

1.1. Đương sự trong vụ án lao động

– Nguyên đơn: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án với tư cách là nguyên đơn trong những vụ án lao động mà Công đoàn có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.

– Bị đơn: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án với tư cách bị đơn trong vụ án mà NSDLĐ khởi kiện Công đoàn (ví dụ: NSDLĐ kiện CĐCS tổ chức, lãnh đạo cuộc đình công đòi bồi thường thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp).

– Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khi Công đoàn không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án lao động có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Công đoàn nên Công đoàn tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa Công đoàn tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

1.2. Đương sự trong việc lao động

– Người yêu cầu: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết việc lao động tại Tòa án với tư cách là người yêu cầu khi Công đoàn có đơn đề nghị Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết việc lao động tại Tòa án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi Công đoàn không yêu cầu giải quyết việc lao động nhưng việc giải quyết việc lao động có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Công đoàn nên Công đoàn được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa Công đoàn vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2. Người đại diện của đương sự

2.1. Người đại diện theo pháp luật

CĐCS là đại diện theo pháp luật cho tập thể lao động khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

2.2. Người đại diện theo ủy quyền

– Đại diện Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án với tư cách đại diện theo ủy quyền của đương sự khi được NLĐ, công đoàn cấp dưới là đương sự trong vụ án lao động, việc lao động ủy quyền.

– Khi tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của đương sự, tùy tư cách của NLĐ, Công đoàn trong các vụ án lao động, việc lao động mà cán bộ công đoàn (CBCĐ) có các quyền và nghĩa vụ tương ứng của đương sự (nguyên đơn hoặc bị đơn hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan).

Lưu ý:

– Thủ tục ủy quyền:

+ Đối với NLĐ: NLĐ làm giấy ủy quyền cho Công đoàn thực hiện việc khởi kiện vụ án lao động (trực tiếp ký đơn khởi kiện) theo quy định tại khoản 2 Điều 187 BLTTDS và/hoặc tham gia tố tụng giải quyết TCLĐ cá nhân tại Tòa án các cấp (tham khảo Mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này); Công đoàn được ủy quyền cử cán bộ thực hiện nội dung được ủy quyền.

+ Trong trường hợp có nhiều NLĐ có cùng yêu cầu đối với NSDLĐ, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của Công đoàn thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 85 BLTTDS.

– Việc ủy quyền của NLĐ cho Công đoàn cần được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng và văn phòng công chứng). Giấy ủy quyền phải quy định rõ các nội dung ủy quyền, kể cả việc ủy quyền ký đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, ủy quyền tham gia quá trình giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án các cấp, bao gồm cả kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm.

Trường hợp NLĐ làm giấy ủy quyền cho CĐCS và CĐCS muốn ủy quyền lại cho công đoàn cấp trên tham gia tố tụng (nếu CĐCS không tham gia được) thì nội dung giấy ủy quyền cần ghi rõ người nhận ủy quyền được phép ủy quyền cho người thứ ba thực hiện các hoạt động đại diện cho NLĐ tham gia tố tụng.

Đối với tổ chức công đoàn: CĐCS làm giấy ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện và/hoặc tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tập thể về quyền, tham gia tố tụng dân sự giải quyết việc lao động tại các cấp Tòa án. Công đoàn cấp trên được ủy quyền cử cán bộ thực hiện nội dung được ủy quyền.

Công đoàn có quyền khởi kiện vụ tranh chấp về kinh phí công đoàn: sau khi khởi kiện thì công đoàn cấp dưới có quyền ủy quyền cho công đoàn cấp trên tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ tranh chấp tại các cấp Tòa án.

2.3. Người đại diện do Tòa án chỉ định

– Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án trong trường hợp NLĐ là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện thì Tòa án chỉ định Công đoàn là tổ chức đại diện cho NLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 88 BLTTDS.

– Thủ tục: Công đoàn được Tòa án chỉ định làm Giấy giới thiệu đại diện của Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án (tham khảo Mẫu số 04 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

3.1. Điều kiện

Đại diện Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là NLĐ, công đoàn cấp dưới trong vụ án lao động, việc lao động khi được NLĐ, công đoàn cấp dưới yêu cầu và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

3.2. Quyền và nghĩa vụ

Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, công đoàn cấp dưới tại Tòa án, đại diện Công đoàn có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 76 BLTTDS.

3.3. Thủ tục

– NLĐ, công đoàn cấp dưới làm giấy đề nghị Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, công đoàn cấp dưới.

– Công đoàn được NLĐ, công đoàn cấp dưới đề nghị cử đại diện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, công đoàn cấp dưới trong vụ án lao động, việc lao động theo quy định của pháp luật lao động, công đoàn.

– Đại diện Công đoàn xuất trình văn bản của Công đoàn giới thiệu người tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ, công đoàn cấp dưới.

– Công đoàn đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại khoản 4 Điều 75 BLTTDS. Tòa án phải vào số đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đại diện Công đoàn. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.
Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin:
– Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
– Email: luatso1hanoi@gmail.com
– Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
– Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.