Dấu hiệu tranh chấp lao động cá nhân?

Tranh chấp lao động được hiểu là những tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động về những vấn đề liên quan đến quan hệ thuê mướn lao động và phát sinh tại nơi làm việc.

Tranh chấp lao động cá nhân là bất đồng, xung đột về quyền và lợi ích giữa cá nhân lao động và người sử dụng lao động liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện lao động, việc thực hiện hợp đồng lao động, quá trình học nghề và dạy nghề.

Tranh chấp lao động cá nhân có những đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, Chủ thể của tranh chấp lao động cá nhân là người lao động động hoặc nhóm người lao động. Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp xảy ra giữa người lao động hoặc một nhóm người lao động với người sử dụng lao động. Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động (Khoản 1 Điều 3 Luật Lao động). Nhóm người lao động là tập hợp những người lao động riêng lẻ.

Tranh chấp lao động có thể có sự tham gia của tổ chức công đoàn. Ngoài ra, trong tranh chấp lao động cá nhân, công đoàn với người lao động không tham gia tranh chấp với người sử dụng lao động. Tổ chức công đoàn có thể chỉ đứng ra đề nghị người sử dụng lao động xem xét giải quyết tranh chấp những yêu cầu của người lao động với tư cách là người đại diện và bảo về quyền và lợi ích cho họ.

Thứ hai, nội dung của tranh chấp lao động cá nhân là những tranh chấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của một cá nhân người lao động hoặc trong một số trường hợp là của một nhóm người lao động hoặc người sử dụng lao động liên quan đến quan hệ lao động. Loại tranh chấp này thường phát sinh trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật lao động vào từng quan hệ quan hệ lao động cụ thể. Hay nói cách khác là nảy sinh trên cơ sở của việc phát sinh, thay đổi, chấm dứt hợp đồng lao động. Dấu hiệu về mặt số lượng chủ thể tham gia chỉ có ý nghĩa khi phù hợp với nội dung tranh chấp của người tham gia tranh chấp. Có thể trong vụ tranh chấp chỉ có một cá nhân là đại diện tập thể người lao động và lợi ích của tập thể người lao động thì chưa chắc đã là tranh chấp lao động cá nhân.

Thứ ba, tranh chấp lao động cá nhân có khả năng chuyển hóa thành tranh chấp lao động tập thể. Sự thay đổi về số lượng và quy mô tranh chấp có thể dẫn đến sự thay đổi tính chất của tranh chấp.

Thứ tư, tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp giữa các bên có địa vị kinh tế – pháp lý không ngang nhau và không tương xứng về lợi thế. Bản thân người lao động đã luôn ở một vị thế yếu hơn so với người sử dụng lao động bởi sự phụ thuộc về sự quản lý sức lao động và thời gian, khi xảy ra tranh chấp lại chỉ có một mình đòi quyền lợi hoặc nhóm người nhưng hoạt động riêng lẻ thiếu tổ chức.

Thứ năm, trong tranh chấp lao động cá nhân, các bên tranh chấp có xu hướng hợp tác với nhau nhằm duy trì quan hệ lao động. Chính bởi người lao động luôn ở vị thế yếu nên họ luôn có xu hướng thỏa hiệp với chủ sử dụng vì công việc và tiền công. Giới chủ cũng muốn hòa hợp, hạn chế xung đột nhỏ lẻ xảy ra để ổn định công việc của mình. Đó là lí do mặc dù có vi phạm pháp luật lao động nhưng giữa người lao động và chủ sử dụng lao động không có mâu thuẫn thì vấn đề tranh chấp lao động cũng không được đặt ra.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!