Chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu? Quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng?

Tình huống: Tôi công nhân ở doanh nghiệp sản xuất giày da từ năm 2014, đến năm 2018 do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên doanh nghiệp đã giảm quy mô xưởng sản xuất xuống và chuyển sang sản xuất sản phẩm khác. Doanh nghiệp thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với 70 người trong đó có tôi. Tôi muốn hỏi công ty làm như vậy có đúng không và chúng tôi được hưởng những quyền lợi gì nếu bị cho nghỉ việc?

Trả lời:

1.Chấm dứt HĐLĐ vì lý do thay đổi cơ cấu

Theo khoản 10 Điều 36 Bộ Luật Lao động 2012 các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động có quy định: “ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.”

Như vậy, việc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu làm việc là một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.

Theo khoản 1 Điều 13 của Nghị định 05/2015/NĐ – CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của BLLĐ có quy định việc thay đổi cơ cấu, công nghệ tại khoản 1 Điều 44 Bộ luật lao động 2012 gồm các trường hợp sau:

“Điều 13. Thay đổi cơ cấu, công nghệ và lý do kinh tế

1.Thay đổi cơ cấu, công nghệ tại Khoản 1 Điều 44 của Bộ luật Lao động gồm các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;

b) Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;

…”

Như vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong trường hợp vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ.

Trong trường hợp của bạn, doanh nghiệp của bạn giảm quy mô sản xuất giầy da và chuyển sang sản xuất sản phẩm mới sẽ thuộc trường hợp ” Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm” ( điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ – CP)

2. Quyền lợi của người lao động khi bị chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu

Theo Điều 47 Bộ luật lao động 2012 quy định nghĩa vụ mà người sử dụng lao động phải thực hiện khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động:

“Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

  1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
  2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
  3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
  4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.”

Như vậy, Quyền lợi của người lao động khi bị chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu bao gồm:

Thứ nhất, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Thứ hai, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người lao động đã giữ lại của người lao động.

Thứ ba, người lao động có thể hưởng trợ cấp mất việc nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm thất nghiệp

Ngoài ra, với trường hợp của bạn, bạn bị chấm dứt hợp đồng theo Điều 44 Bộ luật lao động 2012 nên được hưởng trợ cấp việc làm theo quy định tại Điều 49 BLLĐ 2012 như sau: “Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.”

Tiền trợ cấp mất việc làm được tính như sau:

– Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Trong đó theo khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018 Sửa đổi bổ sung một số điều cảu nghị đinh 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động:

Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 của Bộ luật lao động.

Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp;

+ Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.”

– Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

Công thức tính trợ cấp thất nghiệp = Thời gian tính trợ cấp x Mức lương để tính trợ cấp

Thứ tư, nếu bạn có đóng bảo hiểm thất nghiệp thì bạn sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định của pháp luật, từ ngày 1/1/2009 người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nên khi bạn đã tham gia quan hệ lao động từ năm 2010 thì sẽ phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Các quyền lợi trong bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 42 Luật Việc làm 2013:

“Điều 42. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp

  1. Trợ cấp thất nghiệp.
  2. Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
  3. Hỗ trợ Học nghề.
  4. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.”

Thứ năm, bạn có thể được thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ

Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm tại Điều 114 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

– Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm. Đối với người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm;

– Đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 06 tháng là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.

Tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!