CÁC TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ, TĂNG NẶNG TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) là một trong các căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Các tình tiết giảm nhẹ, tặng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại được quy định cụ thể tại Điều 84 và Điều 85 BLHS như sau:

1. Các tình tiết giảm nhẹ TNHS đối với pháp nhân thương mại

(1) Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm

Đây là trường hợp tội phạm đã được thực hiện, nhưng pháp nhân thương mại đã ngăn chặn không để cho tác hại xảy ra hoặc hạn chế được tác hại. Mức độ giảm nhẹ TNHS phụ thuộc vào thái độ chủ quan của pháp nhân thương mại đối với hành vi ngăn chặn hoặc giảm bớt tác hại và thực tế tác hại được ngăn chặn hoặc hạn chế như thế nào.

(2) Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả

Đây là trường hợp phạm tội đã gây ra thiệt hại nhưng pháp nhân thương mại đã tự nguyện tìm các hạn chế hậu quả của tội phạm như: sửa chũa tài sản bị hư hỏng, bồi thường vật chất hoặc có những hành vi khắc phục hậu quả của tội phạm.

(3) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn

Đây là trường hợp phạm tội mà mức độ nguy hiểm cho xã hội còn hạn chế do hậu quả chưa xảy ra hoặc hậu quả xảy ra không lớn.

(4) Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án

Đây là trường hợp pháp nhân thương mại đã cung cấp các bằng chứng, tài liệu, tin tức cho các cơ quan có trách nhiệm hoặc làm mọi việc theo yêu cầu của các cơ quan đó để phát hiện hoặc giải quyết vụ án về tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu TNHS. Mức đô giảm nhẹ theo tình tiết này phụ thuộc vào hiệu quả của việc tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án.

(5) Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội

Đây là trường hợp pháp nhân thương mại có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội như: chính sách về việc làm, xóa đói giảm nghèo, ưu đãi người có công với cách mạng v.v…

2. Các tình tiết tăng nặng TNHS đối với pháp nhân thương mại

(1) Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội

Đây là trường hợp có ít nhất hai pháp nhân thương mại đã câu kết với nhau để tội phạm được thực hiện bằng hình thức đồng phạm thông qua người phạm tội. Việc câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội làm tăng mức độ nguy hiểm của tội phạm như tăng khả năng thực hiện tội phạm, quy mô của tội phạm cũng như mức độ nguy hiểm,…

(2) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội

Đây là trường hợp pháp nhân thương mại thông qua người phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, phức tạp của xã hội để dễ dàng thực hiện tội phạm. Hành vi phạm tội có tình tiết này có tính chất nghiêm trọng hơn trường hợp phạm tội bình thường vì nó không chỉ cản trở sự khắc phục khó khăn mà còn làm tăng thêm những khó khăn đang có của xã hội, của quốc gia.

(3) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội

Đây là trường hợp mà thủ đoạn phạm tội được sử dụng rất tinh vi, khó có thể nhận biết. Mức độ tăng nặng TNHS phụ thuộc vào mức độ tinh vi của thủ đoạn phạm tội.

(4) Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng

Cố ý thực hiện tội phạm đến thể hiện ở việc pháp nhân thương mại quyết tâm thực hiện tội phạm qua nhiều hành vi cố gắng khắc phục mọi trở ngại để thực hiện bằng được tội phạm.

(5) Phạm tội 02 lần trở lên

Đây là trường hợp pháp nhân thương mại được xác định phải chịu TNHS về tội phạm được thực hiện từ 02 lần trở lên.

(6) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm

Tái phạm là trường hợp pháp nhân thương mại đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Tái phạm nguy hiểm là những trường hợp phạm tội như sau:

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

(7) Dùng thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm

Đây là trường hợp pháp nhân thương mại sử dụng thủ đoạn hết sức phức tạp, kín đáo, khó nhận biết để che giấu tội phạm, trốn tránh trách nhiệm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.
Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:
  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.