Các căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Khởi tố vụ án là giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, trong đó các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự quy định kiểm tra thông tin, tài liệu thu được, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố. Đặt trong mối quan hệ giữa Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu của tội phạm.

Theo quy định tại Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, việc xác định dấu hiệu của tội phạm để khởi tố vụ án hình sự dựa trên những căn cứ sau đây:

1. Tố giác của cá nhân

Tố giác của cá nhân về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Việc tố giác có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

Pháp luật không hạn chế chủ thể tố giác về tội phạm mà có thể là bất kỳ cá nhân nào. Đồng thời, cá nhân không chỉ được tố giác đến cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án mà có thể tố giác đến bất cứ cơ quan nào, tổ chức nào thuận tiện nhất. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận và không được từ chối tiếp nhận tố giác về tội phạm.

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân

Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền.

Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân là những thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội  phạm do các cơ quan, tổ chức phát hiện hoặc cơ quan, tổ chức nhận được tố giác, tin báo của cá nhân và chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Tin báo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chung mục đích giúp cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng phát hiện tội phạm và người phạm tội để xử lý nghiêm minh, giữ vững kỷ cương, pháp luật.

3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng

Các phương tiện thông tin đại chúng luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm. Vì vậy, thông tin về tội phạm được đăng tải trên các phương tin đại chúng cũng được pháp luật quy định là một căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.

Khi có tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tiến hành xem xét, xác minh tin báo đó. Trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước

Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Đây là trường hợp cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Kiến nghị phải được thể hiện thông qua văn bản kiến nghị khởi tố và phải nộp kèm theo các chứng cứ, tài liệu liên quan để chứng minh.

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiệu dấu hiệu tội phạm

Các cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án khi thực hiện nhiệm vụ có nhiều điều kiện phát hiện hành vi vi phạm pháp luật. Khi trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm thì quyết định việc khởi tố vụ án theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết. Tất cả những tài liệu, thông tin do cơ quan điều tra, viện kiểm sát, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thu thập theo đúng thủ tục tố tụng để xác định dấu hiệu tội phạm là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.

6. Người phạm tội tự thú

Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

Bộ luật hình sự quy định người phạm tội tự thú là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Quy định này một mặt thể hiện chính sách khoan hồng của nhà nước, mặt khác còn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều tra nhanh chóng phát hiện ra tội phạm.

Người phạm tội có thể tự thú tại cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hoặc các cơ quan, tổ chức khác. Cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ thông tin họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và lời khai. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người phạm tội tự thú, cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát cùng cấp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội