Bắt người phạm tội quả tang

Quyền tự do về thân thể là một trong những quyền cơ bản của công dân, theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định, bắt người phạm tội quả tang là một trong số trường hợp đó.

Bắt người phạm tội quả tang là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, biện pháp này được áp dụng đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm. Mục đích của của biện pháp ngăn chặn này là để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc hạn chế hậu quả của tội phạm xảy ra trên thực tế

Thứ nhất, đối tượng bị áp dụng

Tại khoản 1 điều 111 BLTTHS 2015 quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp này là người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt.

Đang thực hiện tội phạm được hiểu là người đang bắt đầu thực hiện một tội phạm nhất định và chưa kết thúc hành vi phạm tội đó.

Ngay sau khi thực hiện tội phạm được hiểu là việc người phạm tội vừa mới thực hiện xong hành vi phạm tội, thời gian kết thúc việc thực hiện tội phạm với thời gian bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt là liền kề nhau và không có sự ngắt quảng về thời gian.

Thứ hai, thẩm quyền bắt người phạm tội quả tang.

Để kịp thời đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định bất kỳ người nào cũng có quyền bắt, tước vũ khí, hung khí của người phạm tội quả tang.

Thứ ba, trình tự, thủ tục bắt người phạm tội quả tang

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền

Trường hợp người bắt người phạm tội quả tang không phải là Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an mà sau khi bắt phải giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!