Khi nào được sử dụng quyền im lặng?

Hỏi: Sau một vài vụ án gần đây tôi mới biết ở Việt Nam có quyền im lặng. Xin luật sư giải thích rõ hơn về quyền im lặng của người bị tạm giam, bị can, bị cáo trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015?

(Bạn đọc Nguyễn Tiến Mạnh – Đà Nẵng)

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, về chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự

Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự chủ về việc khai báo, những gì bất lợi họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Đồng thời, họ cũng không buộc phải dùng lời nói để chứng minh mình vô tội mà trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “…Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Thứ hai, quyền im lặng được quy định trong tố tụng hình sự

Theo điểm d khoản 1 Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền:

d) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

Tiếp đó, khoản 2 Điều 59, khoản 2 Điều 60 và khoản 2 Điều 61 Bộ luật này cũng quy định đối với người bị tạm giữ; bị can; bị cáo cũng có quyền:

“cTrình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

(Khi nào được quyền im lặng)

Thứ ba, sử dụng quyền im lặng.

Quyền im lặng có thể sử dụng trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, trong thực tế không phải bất kỳ lúc nào áp dụng quyền im lặng cũng là giải pháp tốt. Vì vậy, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nên nhờ luật sư trợ giúp về mặt pháp lý ngay từ khi bị bắt, bị tạm giữ, bởi ngoài hoạt động lấy lời khai, hỏi cung thì Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng cho phép người bào chữa được quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị buộc tội, có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói… Điều này được quy định tại khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Luật sư Phạm Thị Thu

(Công ty Luật số 1 Hà Nội)

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!