CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT THƯƠNG MẠI NĂM 2005

Phạt vi phạm là một trong các chế tài để bảo vệ các bên trong quan hệ thương mại. Hiện nay, chế định này ngày càng được các bên sử dụng nhiều hơn như một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của các bên trong các quan hệ hợp đồng hợp tác kinh tế. Thực tế hiện nay, nhiều trường hợp khi một hợp đồng phát sinh tranh chấp, tuy các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm nhưng các bên vẫn đòi phạt vi phạm do đã có sự nhầm lẫn với chế tài bồi thường thiệt hại. Bài viết dưới đây chúng tôi phân tích thế nào là phạt vi phạm, điều kiện áp dụng và quy định về mức phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại:

1. Phạt vi phạm hợp đồng trong thương mại là gì?

Theo Điều 300 Luật Thương mại năm 2005, phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật Thương mại năm 2005.

2. Điều kiện áp dụng

Thứ nhất, phạt vi phạm chỉ có thể xảy ra trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng. Điều này có nghĩa phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên nên một bên không thể yêu cầu bên kia phải chịu phạt vi phạm nếu các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng về vấn đề này. 

Thứ hai, ngoài điều kiện phải được xác lập trong thỏa thuận, để có thể áp dụng trên thực tế chế tài này thì bên yêu cầu áp dụng cần chứng mình được các yếu tố sau:

(1) Có hành vi vi phạm hợp đồng

(2) Thiệt hại thực tế

(3) Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại.

3. Quy định về mức phạt vi phạm

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hiện có hai văn bản pháp luật có giá trị điều chỉnh quan hệ về chế tài phạt vi phạm là Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005.

– Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về mức phạt vi phạm được áp dụng cho các quan hệ dân sự thì mức phạt vi phạm do các bên tự thỏa thuận. Điều này được hiểu là các bên có quyền tự ý lựa chọn mức phạt vi phạm mà không hề bị khống chế mức phạt tối đa là bao nhiêu. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận theo quy định của pháp luật dân sự.

– Đối với những quan hệ dân sự được Luật Thương mại 2005 điều chỉnh thì mức phạt vi phạm có khống chế mức phạt tối đa. Cụ thể, đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hợp đồng dịch vụ giám định theo Điều 266 Luật Thương mại năm 2005.

Có thể hiểu quy định này là mức phạt thực tế mà các bên có thể đưa ra là không quá 8% nhưng phải là trên giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Vì vậy, phải xác định được giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm là bao nhiêu để có thể tính toán ra số tiền phạt vi phạm thực tế.

Như vậy, có sự khác biệt giữa hai văn bản khi cùng điều chỉnh một vấn đề. Vì thế, khi áp dụng cần phải phân biệt được những quan hệ nào được Bộ luật Dân sự điều chỉnh, những quan hệ nào được Luật Thương mại điều chỉnh để có thể áp dụng một cách chính xác.

4. Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại

Để có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm một cách chính xác thì một vấn đề được đặt ra là cần phải phân biệt được giữa chế tài này với chế tài trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Theo quy định tại Điều 307 Luật Thương mại năm 2005, quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại được quy định rõ như sau:

– Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật Thương mại có quy định khác.

Điều này xuất phát từ bản chất của phạt vi phạm là phải có thỏa thuận trong hợp đồng, nên khi có vi phạm xảy ra mà các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì các bên chỉ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại mà thôi.

– Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật Thương mại có quy định khác.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội