Rủi ro đối với khách hàng khi giao kết “Hợp đồng sở hữu thẻ nghỉ dưỡng”

1. Khái quát về Hợp đồng sở hữu thẻ nghỉ dưỡng

Trong quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể về “Hợp đồng sở hữu thẻ nghỉ dưỡng” hay “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ”. Tuy nhiên có thể đây là một loại Hợp đồng mà người mua mua quyền sử dụng một địa điểm nghỉ dưỡng cụ thể trong một khoảng thời gian cố định thường là hàng năm. Đây là một hình thức đầu tư vào kỳ nghỉ và thường được sử dụng để đảm bảo quyền sở hữu các kỳ nghỉ tại các địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng trong và ngoài nước.

Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ thường đi kèm với các điều khoản và điều kiện cụ thể, bao gồm thời gian sử dụng, phí duy trì, các quyền và trách nhiệm của người mua. Theo quy định Hợp đồng, người mua có thể chuyển nhượng hoặc bán lại quyền sở hữu của họ trong Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ này cho người khác.

2. Những rủi ro đối với Khách hàng

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, các tranh chấp, phản ánh, khiếu nại liên quan đến Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vẫn tiếp tục được cơ quan truyền thông thông tin cũng như người tiêu dùng phản ánh tới cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ về bản chất là hợp đồng đăng ký dịch vụ, dựa theo Án lệ số 42/2021/AL đã nói rất rõ đây là một dạng Hợp đồng dịch vụ lưu trú. Vì vậy việc sở hữu kỳ nghỉ không giống với việc sở hữu bất động sản, hay tài sản ở đó, mà thứ ngưởi mua sở hữu chính là thời gian, dịch vụ được hưởng ở khoảng thời sau này chứ không phải ở hiện tại. Vì vậy nó tiềm tàng rất nhiều những rủi ro đối với người mua. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, trên thực tế thời hạn của những hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ thường khá dài, đồng nghĩa với việc ngưởi mua phải trả những số tiền lớn để sở hữu, có thể tại thời điểm giao kết Hợp đồng, Dự án của khu nghỉ dưỡng theo Hợp đồng còn chưa được hoàn thành. Do đó cần phải đánh giá kỹ những rủi ro, tỷ suất lợi nhuận trước khi giao kết Hợp đồng.

– Thứ hai, bên cạnh rủi ro đến từ những yếu tố bên ngoài, như việc nhân viên bán hàng gây áp lực để ký kết hợp đồng, bên bán còn sử dụng các hình thức quảng cáo không đúng sự thật. Sự rủi ro đến từ việc thực hiện Hợp đồng trong tương lai có thể bị “trì hoãn” hoặc thậm chí là “đứt gãy” nếu bên bán kỳ nghỉ không hoàn thành được Dự án đúng thời hạn hoặc tệ hơn là Dự án “chết”.

– Thứ ba, ngoài khoản tiền phải thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng Khách hàng còn phải thanh toán các khoản chi phí thường niên (từ vài triệu đến vài chục triệu đồng), mức phí này thường rất cao và còn tùy thuộc vào quyền và tiện ích cụ thể mà Khách hàng muốn được hưởng khi sử dụng dịch vụ ở khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trong Hợp đồng có thể không có các quy định cụ thể và rõ ràng về các khoản chi phí này và các vấn đề có liên quan.

– Thứ tư, rất nhiều người xem Hợp đồng sở hữu kì nghỉ là một kênh đầu tư sinh lời. Tuy nhiên trong quá trình diễn ra Hợp đồng, có rất nhiều người mua muốn bán lại hoặc chấm dứt Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vì nhiều lý do như bên bán kỳ nghỉ không thực hiện đúng Hợp đồng, hứa hẹn, Dự án khu resort không được hoàn thiện đúng tiến độ để được tham gia dịch vụ, phát hiện bên bán kỳ nghỉ có dấu hiệu lừa dối Khách hàng, huy động vốn xây dựng resort bằng cách giao kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, … Rất nhiều Khách hàng sau khi đã thành toán nhiều khoản tiền không nhỏ cho bên bán kỳ nghỉ và nhận được Hợp đồng sau khi đã thanh toán. Lúc này, Khách hàng mới được đọc kĩ Hợp đồng và nhận ra có rất nhiều điều khoản bất lợi cho người mua kỳ nghỉ. Vì vậy, nếu Khách hàng coi đây là một kênh đầu tư sinh lời và muốn bán/chuyển nhượng lại Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, Khách hàng sẽ gặp khó khăn vì điều khoản về bán/chuyển nhượng rất bất lợi, thậm chí có trường hợp quy định Khách hàng phải có sự chấp thuận của bên bán kỳ nghỉ mới có thể tiến hành chuyển nhượng. Các Khách hàng đã mua kỳ nghỉ thường gặp khó khăn khi muốn thoát khỏi giao kết này.

– Thứ năm, pháp luật Việt Nam hiện hành cũng chưa có những quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh đối tượng “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” và việc các nhà đầu tư thông qua việc bán kỳ nghỉ huy động vốn từ việc giao kết Hợp đồng với Khách hàng, đã tạo ra khoảng trống pháp lý lớn. Các doanh nghiệp sử dụng đội ngũ pháp lý hùng hậu, sử dụng loại hợp đồng soạn sẵn (Hợp đồng mẫu) quy định những điều khoản có lợi cho mình và bất lợi cho Khách hàng, đặc biệt là đối với những người không am hiểu về pháp luật.

3. Khuyến cáo các giải pháp giảm thiểu rủi ro khi giao kết Hợp đồng

– Trước khi tiến hành giao kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ nói riêng và các loại Hợp đồng nói chung, Khách hàng cần nghiên cứu kỹ thông tin về đối tượng của Hợp đồng là loại sản phẩm hoặc dịch vụ nào được giới thiệu trong sự kiện, cũng như về đơn vị cung cấp. Bằng cách này, có thể xác định những vấn đề quan trọng về lợi ích và rủi ro có thể gặp phải, từ đó có cơ hội quyết định và yêu cầu giải đáp thêm trước khi ký kết hợp đồng.

– Đối với Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, Khách hàng cần đọc kỹ và hiểu rõ tất cả các điều khoản và điều kiện trong Hợp đồng, đặc biệt chú ý đến các khoản về phí, thời hạn, quyền và nghĩa vụ của Khách hàng, giá trị Hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt/chuyển nhượng Hợp đồng và xử lý vi phạm Hợp đồng. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý đến từ một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý để được tư vấn việc giao kết loại Hợp đồng này.

– Ngoài ra, Khách hàng có thể phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.
Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin:
– Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
– Email: luatso1hanoi@gmail.com
– Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
– Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.