Thanh lý tài sản cố định của Doanh nghiệp

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Đấu giá năm 2016.
  • Thông tư 113/2016/TT-BTC. 
  • Thông tư 200/2014/TT-BTC.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Thông tư 113/2016/TT-BTC quy định Tài sản cố định là những tư liệu lao động được biểu hiện dưới hình thái vật chất hoặc phi vật chất, có đủ tiêu chuẩn tài sản cố định ( Trừ trường hợp có quy định riêng đối với một số tài sản đặc thù).

Theo 3.2.3 Khoản 3 Điều 35 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định Trường hợp thanh lý tài sản cố định: “Tài sản cố định thanh lý là những tài sản cố định hư hỏng không thể tiếp tục sử dụn được, những tài sản cố định lạc hậu về kỹ thuật hoặc không phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Khi có TSCĐ thanh lý, doanh nghiệp phải ra quyết định thanh lý, thành lập Hội đồng thanh lý TSCĐ. Hội đồng thanh lý TSCĐ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc thanh lý TSCĐ theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong chế độ quản lý tài chính và lập “Biên bản thanh lý TSCĐ” theo mẫu quy định. Biên bản được lập thành 2 bản, 1 bản chuyển cho phòng kế toán để theo dõi ghi sổ, 1 bản giao cho bộ phận quản lý, sử dụng TSCĐ.”

1.Hồ sơ thanh lý TSCĐ

Căn cứ vào các pháp lý trên thì khi Doanh nghiệp thanh lý tài sản cố định (TSCĐ) cần phải chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ sau:

  1. Thành lập Hội đồng thanh lý TSCĐ
  2. Biên bản họp Hội đồng thanh lý TSCĐ.
  3. Quyết định thanh lý TSCĐ.
  4. Biên bản kiểm kê TSCĐ.
  5. Biên bản đánh giá lại TSCĐ.
  6. Hợp đồng kinh tế bán TSCĐ được thanh lý.
  7. Biên bản giao nhận TSCĐ.
  8. Biên bản hủy TSCĐ.
  9. Thanh lý hợp đồng kinh tế bán TSCĐ.
  10. Biên bản thanh lý TSCĐ.

2. Thủ tục làm thanh lý tài sản cố định

Khi tiến hành làm thanh lý tài sản cố định doanh nghiệp phải thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Căn cứ vào kết quả kiểm kê tài sản, cũng như quá trình theo dõi, sử dụng TSCĐ tại doanh nghiệp, bộ phận (hoặc phòng ban) có TSCĐ cần thanh lý của doanh nghiệp phải lập đơn đề nghị để trình lãnh đạo công ty phê duyệt. Trong đơn đề nghị đó phải ghi rõ danh mục TSCĐ cần thanh lý.

Bước 2: Đại diện doanh nghiệp ra Quyết định thanh lý TSCĐ.

Bước 3: Thành lập hội đồng thanh lý TSCĐ

Hội đồng thanh lý tài sản kiểm tra, đánh giá lại tài sản và có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc thanh lý TSCĐ theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong chế độ quản lý tài sản.

Bước 4: Tiến hành thanh lý TSCĐ

Tùy vào điều kiện và đặc điểm của TSCĐ mà Hội đồng thanh lý TSCĐ trình người đứng đầu doanh nghiệp quyết định hình thức xử lý TSCĐ như bán tài sản, hủy tài sản.

Bước 5: Hội đồng thanh lý TSCĐ sẽ  lập Biên bản thanh lý tài sản cố định (Tham khảo mẫu số 02–TSCĐ ban hành kèm theo Phụ lục 3 của Thông tư số 200/2014/TT-BTC) sau khi đã tiến hành thanh lý.