Quy định pháp luật về doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, do gặp nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp chưa muốn giải thể nên đã lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh thì bắt buộc phải thực hiện thông báo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

1. Trình tự, thủ tục tạm ngừng kinh doanh

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trình tự, thủ tục tạm ngừng kinh doanh được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Hồ sơ thông báo bao gồm:

– Thông báo tạm ngừng kinh doanh

– Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh.

– Trường hợp doanh nghiệp ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục thì cần có giấy ủy quyền/hợp đồng ủy quyền kèm theo CCCD (bảo sao chứng thực) của người được ủy quyền.

Bước 2: Phòng đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ

Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy xác nhận về việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.

Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh.

2. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh

Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp có thể gia hạn tạm ngừng kinh doanh khi có nhu cầu, số lần gia hạn không hạn chế. Mặc khác, doanh nghiệp cũng có thể đề nghị đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

3. Khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần lưu ý những các vấn đề sau:

– Đối với hồ sơ khai thuế:

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế, trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

– Về hóa đơn:

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. 

– Đối với lệ phí môn bài:

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 được sửa đổi bởi điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị định số 22/2020/NĐ-CP, người nộp lệ phí đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điều kiện: văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin:

– Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933

– Email: luatso1hanoi@gmail.com

– Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN

– Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.