DI SẢN DÙNG VÀO VIỆC THỜ CÚNG CÓ ĐƯỢC CHIA THỪA KẾ?

Từ xưa đến nay việc thờ cúng luôn được Người Việt Nam coi trọng và thực hiện nhằm thể hiện lòng thành kính, biết ơn với những người đi trước. Do đó, trước khi mất nhiều người thường có ý nguyện muốn để lại một phần tài sản của mình để dùng vào việc thờ cúng. Vậy pháp luật quy định như thế nào về di sản dùng vào việc thờ cúng?

Di sản dùng cho việc thờ cúng xuất hiện khi nào?

Di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ xuất hiện trong trường hợp người để lại di sản lập di chúc thể hiện ý chí để lại một phần tài sản (có thể là vật, tiền, quyền sử dụng đất,…..) của mình dùng cho việc thờ cúng. Trường hợp thừa kế theo pháp luật không đặt ra vấn đề về di sản dùng vào việc thờ cúng.

Tuy nhiên, di sản dùng vào việc thờ cùng chỉ được để lại trong trường hợp phần di sản còn lại của người chết đã đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mà người này để lại. Nếu toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Quy định này nhằm bảo vệ người có quyền lợi trong quan hệ dân sự với người để lại di sản, khi di sản thừa kế không đủ để thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại thì phải dùng phần di sản dùng vào việc thờ cúng để thực hiện nghĩa vụ đó.

Có được chia thừa kế phần di sản dùng cho việc thờ cúng hay không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 645 BLDS năm 2015 thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế. Người quản lý di sản phải sử dụng phần di sản vào việc thờ cúng theo đúng ý nguyện của người để lại di sản, không được sử dụng di sản vào mục đích riêng và không có quyền định đoạt phần di sản này. Việc thờ cúng được thực hiện theo phong tục, tập quán của từng địa phương.

Vậy ai sẽ là người quản lý di sản dùng cho việc thờ cúng?

Người quản lý di sản dùng cho việc thờ cúng là người đã được chỉ định trong di chúc. Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng cho việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin:

– Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933

– Email: luatso1hanoi@gmail.com

– Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN

– Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.