Thỏa thuận phân chia quyền nuôi con được quy định như thế nào?

Trước khi kết hôn, tôi và vợ tôi cam kết ai ngoại tình phải giao con và tài sản cho người còn lại chăm nuôi. Vậy tôi cần xác nhận ở đâu?

Theo câu hỏi bạn đưa ra, thỏa thuận giữa vợ chồng của bạn bao gồm hai nội dung. Một là nội dung về việc phân chia quyền nuôi con; hai là việc phân chia tài sản. Trước khi xác định cơ quan có thẩm quyền xác nhận thỏa thuận này, cần xác định tính hợp pháp của từng nội dung thỏa thuận.

Đối với thỏa thuận về quyền nuôi con: Theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, “Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

Việc cha mẹ thỏa thuận về việc giành quyền nuôi con khi vẫn trong thời kỳ hôn nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đền quyền “ được sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc” theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Luật Hôn nhân gia đình 2014. Do vậy, trong trường hợp vợ, chồng vẫn đang trong thời kỳ hôn nhân mà có thỏa thuận về giao quyền nuôi con thì thỏa thuận này bị vô hiệu.

Một vấn đề khác đặt ra là trong trường hợp vợ, chồng đặt ra thỏa thuận giao quyền nuôi con để giải quyết tranh chấp giành quyền nuôi con khi ly hôn, thì liệu thỏa thuận này có hợp pháp hay không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình năm 2014: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”

Như vậy, khi có tranh chấp về quyền nuôi con sau khi ly hôn xảy ra, Tòa án có thể căn cứ vào thỏa thuận của vợ, chồng về người trực tiếp nuôi con, tuy nhiên thỏa thuận này phải được xác lập tại thời điểm ly hôn, thể hiện được ý chí của vợ, chồng tại thời điểm chấm dứt quan hệ hôn nhân. Việc các bên có thỏa thuận trước đó không được coi là căn cứ để Tòa án giải quyết tranh chấp giao quyền nuôi con.

Đối với thỏa thuận về phân chia tài sản: Theo quy định tại Điều 38 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 “Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.” Có thể thấy, trong thời kỳ hôn nhân, pháp luật cho phép vợ chồng thỏa thuận để chia tài sản chung. Đây cũng được coi là quyền của vợ, chồng. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết để chia tài sản.

Theo Quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, “Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.”

Dựa theo quy định trên, có thể thấy, văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng được coi là một căn cứ để giải quyết tài sản khi ly hôn hoặc khi có yêu cầu chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

Tóm lại, cha, mẹ không được quyền thỏa thuận về việc phân chia quyền nuôi con khi vẫn còn đang trong thời kỳ hôn nhân vì thỏa thuận này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của con. Mặt khác, đối với thỏa thuận phân chia tài sản, các bên có thể thỏa thuận. Việc thỏa thuận này được thể hiện dưới hình thức là văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ, chồng. Trong đó có nội dung về “Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;”. Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 “Thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”. Như vậy, bạn và vợ bạn có thể liên hệ các tổ chức hành nghề công chứng, hoặc UBND cấp xã để được hướng dẫn về thủ tục công chứng, chứng thực Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!