Hợp đồng vi phạm quy định về hình thức có bị vô hiệu?

Hình thức của hợp đồng là sự biểu hiện ra bên ngoài ý chí, nội dung thỏa thuận của các bên tham gia giao kết bao gồm tổng hợp tất cả các cách thức, thủ tục, phương tiện để thể hiện và công bố ý chí xác lập, là biểu hiện cho sự tồn tại của hợp đồng. Trong một số trường hợp, pháp luật quy định bắt buộc các bên phải tuân thủ hình thức khi giao kết hợp đồng như phải lập thành văn bản; văn bản phải được có công chứng, chứng thực,…Vậy hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức có bị coi là vô hiệu?

1. Hình thức có phải là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. 

Như vậy, trường hợp pháp luật có quy định điều kiện về hình thức như hợp đồng phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực thì các bên tham gia giao kết phải tuân thủ. Nếu các bên vi phạm thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu.

2. Các trường hợp hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức vẫn có hiệu lực

Không phải trong mọi trường hợp hợp đồng không tuân thủ quy định điều kiện về hình thức thì đều vô hiệu. Tại Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

– Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

– Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Việc thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch có thể được hiểu là đã chuyển giao ít nhất hai phần ba vật, quyền; đã trả ít nhất hai phần ba tiền hoặc giấy tờ có giá; đã thực hiện hoặc không thực hiện ít nhất hai phần ba công việc đã thỏa thuận.

Khi một hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng. Sau khi xem xét đầy đủ các điều kiện của hợp đồng thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin:

– Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933

– Email: luatso1hanoi@gmail.com

– Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN

– Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.