Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện

Hỏi: Thời gian vừa qua, tôi đi công tác ở nước ngoài nên tôi đã làm một hợp đồng ủy quyền cho Phó giám đốc thay tôi giám sát và điều hành các công việc tại công ty. Khi tôi trở về thì phát hiện Phó giám đốc đã nhân danh tôi để ký kết hợp đồng vay của khách hàng số tiền là 500 triệu đồng. Số tiền này nằm ngoài nội dung tôi ủy quyền và cũng không thông báo cho công ty hay phục vụ các công việc tại Công ty. Xin hỏi Luật sư, số tiền 500 triệu tôi và Công ty có phải chịu trách nhiệm không?

 (L.T.H – Hà Nội)

 

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 thì người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi nội dung ủy quyền.

Như vậy, Phó giám đốc nhân danh bạn để thực hiện ký kết hợp đồng vay khách hàng 500 triệu đồng mà không nằm trong nội dung bạn đã ủy quyền cũng như không thông báo cho bạn và công ty, không phục vụ các công việc tại công ty là vượt quá phạm vi ủy quyền.

Thứ hai, về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

Theo Khoản 1 Điều 143 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì:

“1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

1. Người được đại diện đồng ý;

2. Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

3. Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện”.

Tiếp đó, Khoản 2 điều này cũng quy định:

“Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch”.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật nêu trên, bạn sẽ không có nghĩa vụ đối với hợp đồng vay tiền của Phó giám đốc. Hợp đồng này chỉ có giá trị phát sinh giữa Phó giám đốc và khách hàng.

 

Luật sư Phạm Thị Thu

(Công ty Luật Số 1, Hà Nội)

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Số 1 Hà Nội về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.