Giải quyết tranh chấp nuôi con sau ly hôn?

Hỏi: Tôi có một người bạn ly hôn được gần 1 năm và có chung 1 đứa con gái 2 tuổi. Sau khi ly hôn chồng, bạn tôi đi Đài Loan làm việc và gửi con cho nhà nội nuôi. Vì trước đây không đủ kinh tế nên bạn tôi không thể nuôi con nhưng bây giờ đã có khả năng chăm sóc con gái, muốn giành quyền nuôi nhưng bên nội không cho, thậm chí không cho gặp mặt. Hiện tại bạn tôi đang sống và làm việc tại TP. HCM còn đứa con nhà nội nuôi ở Đắk Lắk.

Luật sư tư vấn:

 

Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, theo quy định nêu trên, khi con dưới 36 tháng tuổi (3 tuổi) thì sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, trong trường hợp bạn của bạn muốn nuôi dưỡng cháu bé thì phải chứng minh các điều kiện về kinh tế cũng như điều kiện về tinh thần như:

i) Điều kiện về kinh tế: Thu nhập thực tế; nhà ở ổn định; công việc ổn định…

ii) Điều kiện về tinh thần như: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ…

Trong trường hợp bạn của bạn muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn mà gia đình nhà chồng không đồng ý thì bạn của bạn cần nộp một bộ hồ sơ khởi kiện về thay đổi người trực tiếp nuôi con tại Tòa án nhân dân quận, huyện nơi chồng bạn của bạn đang cư trú. Hồ sơ bao gồm:

– Đơn khởi kiện (theo mẫu);

– Bản án ly hôn;

– Sổ hộ khẩu, CMTND (bản sao có chứng thực);

– Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực);

– Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp

Luật sư Phạm Thị Thu

(Công ty Luật số 1 Hà Nội)

Lưu ý: Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Số 1 Hà Nội về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.