CÁC TRƯỜNG HỢP CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

Các căn cứ chấm dứt hợp đông dân sự là các yếu tố, các sự kiện xảy ra có kết quả làm hợp đồng chấm dứt, không còn hiệu lực thi hành đối với các bên. Theo Điều 422 BLDS năm 2015 thì hợp đồng dân sự chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Khi hợp đồng đã được hoàn thành

Khi các bên tham gia hợp đồng đã thực hiện toàn bộ nội dung của nghĩa vụ, tức mỗi bên đã đáp ứng được quyền dân sự của mình thì hợp đồng được coi là hoàn thành.

2. Hợp đồng được chấm dứt theo thỏa thuận của các bên

Trong các trường hợp bên có nghĩa vụ không có khả năng để thực hiện hợp đồng hoặc nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng có thể sẽ gây ra tổn thất cho một hoặc hai bên thì các bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Hợp đồng đã giao kết chấm dứt tại thời điểm các bên thỏa thuận.

3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện

Không phải trong mọi trường hợp cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nahan hoặc các tổ chức khác giao kết hợp động chấm dứt hoạt động thì hợp đồng đều được coi là chấm dứt. Theo căn cứ này, chỉ những hợp đồng nào mà do tính chất của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó hoặc do các bên đã thỏa thuận trước là người có nghĩa vụ phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đó hay chỉ người có quyền mới được hưởng lợi ích phát sinh từ hợp đồng thì khi họ chết, hợp đồng mới được chấm dứt.

Căn cứ chấm dứt hợp đồng dân sự

4. Hợp đồng bị hủy bỏ

– Theo Điều 423 BLDS, một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

+ Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận

+ Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng:

Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng

+ Trường hợp khác do luật quy định:

  • Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ
  • Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện
  • Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng

– Bên hủy hợp đồng phải thông báo cho bên kia biết về việc hủy hợp đồng, trường hợp không thông báo, gây thiệt hại thì phải bồi thường.

– Hợp đồng bị hủy bỏ sẽ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng mà chỉ còn phải thực hiện nghĩa vụ về bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm và giải quyết tranh chấp.

5. Hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện

Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

– Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

– Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.

– Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự.

6. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn

Trong những trường hợp đối tượng của hợp đồng là một vật đặc định hoặc đơn chiếc mà do bị mất hoặc bị tiêu hủy hay các lí do khác nên vật đó không còn thì hợp đồng đó đương nhiên được coi là chấm dứt vào thời điểm vật là đối tượng của hợp đồng không còn, đồng thời cũng không có sự thay thế đối tương khác.

7. Hợp đồng chấm dứt khi hoàn cảnh thực hiên hợp đồng thay đổi cơ bản

Theo Điều 420 BLDS, hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
  • Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
  • Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
  • Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định.

8. Trường hợp khác do luật quy định.