Các căn cứ giải quyết thuận tình ly hôn

Thuận tình ly hôn là trường hợp ly hôn mà cả vợ và chồng cùng yêu cầu chấm dứt hôn nhân, được thể hiện bằng đơn thuận tình ly hôn của vợ chồng.

Trong trường hợp này, do tính chất của việc hai bên đã thỏa thuận được về việc ly hôn nên thường đã có thỏa thuận trước về chia tài sản và người chăm sóc con cái. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không có thỏa thuận.

Điều 55 Luật hôn gia đình 2014 quy định về trường hợp thuận tình ly hôn:

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Như vậy, Để Tòa án công nhận thuận tình ly hôn thì phải có các căn cứ sau:

1. Vợ chồng đều thật sự tự nguyện ly hôn

“Thật sự tự nguyện ly hôn” là cả hai vợ chồng đều được tự do bày tỏ ý chí của mình, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối trong việc thuận tình ly hôn. Việc thể hiện ý chí thật sự tự nguyện ly hôn của hai vợ chồng đều phải xuất phát từ trách nhiệm đối với gia đình họ, phù hợp với yêu cầu của pháp luật và chuẩn mực, đạo đức xã hội.

2. Hai bên tự thỏa thuận với nhau về con chung và tài sản chung

– Về tài sản, vợ chồng tự thỏa thuận phân chia dự trên nguyên tắc được quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng phải xem xét các yếu tố sau:

+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khổi tài sản chung;

+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Sự thỏa thuận của vợ chồng trong việc phân chia tài sản chung phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con. Tuy nhiên, vợ chồng có thể tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc không phân chia tài sản.

– Về con chung, vợ chồng tự thỏa thuận về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn. Về nguyên tắc, viejc ai nuôi con sau khi ly hôn có thể được vợ chồng tự thỏa thuận với nhau và được tòa ghi nhận trong bản án. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng được xác định căn cứ vào khả năng kinh tế của người cha hoặc mẹ phải cấp dưỡng và vào nhu cầu của người con. Vợ chồng tự thỏa thuận về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng. Thời hạn cấp dưỡng thông thường là cho đễn khi con thành niên. Sự thỏa thuậ của vợ chồng trong từng trường hợp cụ thể này phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của con.

3. Tiến hành hòa giải đoàn tụ

Ngoài hai căn cứ trên thì thủ tục hòa giải là bắt buộc phải có và là căn cứ để Tòa án quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Mục đích của việc này là vợ chồng rút đơn yêu cầu ly hôn và đoàn tụ với nhau. Đây là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, có 04 trường hợp sau đây, vụ án ly hôn sẽ không tiến hành hòa giải được:

  • Người bị yêu cầu ly hôn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình vắng mặt khi Tòa triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2;
  • Vợ chồng không thể tham gia hòa giải vì lý do chính đáng;
  • Vợ hoặc chồng là người mất năng lực hành vi dân sự;
  • Một trong hai vợ chồng đề nghị không tiến hành hòa giải.

Theo khoản 3, 4, 5 Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 ta thấy các hậu quả pháp lý sau khi hòa giải như sau:

(1) Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ

Ở trường hợp này, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.

(2) Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành

Trường hợp này, Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
  • Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
  • Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.

(2) Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con

Trường hợp này, Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội.