CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Luật Thi hành án dân sự đã quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự (THANDS) tại mục 1, chương IV, bao gồm: phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, tạm giữ tài sản, giấy tờ và tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. Các biện pháp này có vai trò đảm bảo thi hành nghĩa vụ của người phải thi hành án theo bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, thúc đẩy quá trình thi hành án đúng pháp luật.

1. Biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

Biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được quy định tại Điều 67 Luật THADS, bao gồm những nội dung như sau:

– Đối tượng bị áp dụng:

Đối tượng ở đây là tài khoản, tiền của người phải thi hành án. Khi có đầy đủ căn cứ chứng minh người phải thi hành án có tài khoản tại tổ chức tín dụng, ngân hàng thì sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản.

– Quyền yêu cầu, thẩm quyền áp dụng và căn cứ:

Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản được Chấp hành viên, cơ quan THADS áp dụng hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của người được thi hành án.

– Trình tự, thủ tục áp dụng:

(1) Thu thập thông tin về tài khoản, tài sản gửi giữ của người phải thi hành án;

(2) Ra quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ;

(3) Tống đạt quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ;

(4) Thực hiện quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ.

– Về thời hạn áp dụng:

Khoản 3 Điều 67 Luật THADS quy định: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này.”

Hết thời hạn này, Chấp hành viên sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án hoặc phải quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp này.

2. Tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

Đây là biện pháp mới so với quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 trước đây. Việc quy định biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự tạo ra hành lang pháp lý đảm bảo sự tác nghiệp của Chấp hành viên trong hoạt động THADS.

– Đối tượng bị áp dụng:

Theo Điều 68 của Luật THADS, tài sản, giấy tờ của đương sự bị Chấp hành viên ra quyết định tạm giữ có thể bao gồm:

+ Tài sản, giấy tờ được xác định một cách rõ ràng, cụ thể trong bản án, quyết định được thi hành là đối tượng của nghĩa vụ thi hành án.

+ Tài sản, giấy tờ mà trước đó đã được bản án, quyết định được thi hành tuyên kê biên, tạm giữ để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ khác. Các tài sản, giấy tờ này sẽ bị xử lý để đảm bảo thi hành khoản nghĩa vụ mà bản án, quyết định đã tuyên trong tường hợp mà người phải thi hành không thực hiện hoặc thự hiện không đúng nghĩa vụ dân sự của mình.

+ Tài sản, giấy tờ tuy không được tuyên, không được xác định trong bản án, quyết định được thi hành nhưng trong trường hợp người phải thi hành không tự nguyện thi hành thì những giấy tờ trên sẽ có thể bị kê biên, xử lý bảo đảm nghĩa vụ dân sự khi có căn cứ.

– Về quyền yêu cầu và căn cứ, thẩm quyền áp dụng:

+ Chấp hành viên áp dụng biện pháp tạm giữ tài sán, giấy tờ được áp dụng theo yêu cầu bằng văn bản của người được thi hành án.

+ Việc áp dụng biện pháp này được thực hiện khi Chấp hành viên hoặc người được thi hành án phát hiện người phải thi hành án đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ mà tài sản, giấy tờ đó có thể dùng để đảm bảo THADS theo quy định của pháp luật và khi đương sự có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án hoặc có dấu hiệu thực hiện hành vi đó.

– Trình tự, thủ tục áp dụng:

Chấp hành viên áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự được thực hiện theo các bước sau đây:

(1) Phát hiện tài sản, giấy tờ của đương sự: việc này được thực hiện trong quá trình Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ hoặc do người được thi hành án cung cấp.

(2) Lập biên bản về việc tạm giữ tài sản, giấy tờ:

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, pháp luật quy định trong mọi trường hợp, việc tạm giữ tài sản, giấy tờ đều phải được lập thành biên bản, có chữ ký của Chấp hành viên và đương sự. Trường hợp đương sự không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản phải được giao cho người phải thi hành dân sự.

(3) Ra quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ

Hiện pháp luật hiện hành chưa có văn bản pháp luật nào bắt buộc việc áp dụng biện pháp này phải ra quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Tuy nhiên, trong thực tiễn hướng dẫn nghiệp vụ Tổng cục THADS đã xác định khi áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự, Chấp hành viên nhất thiết phải ban hành một quyết định để dễ dang quản lý.

(4) Giao bảo quản tài sản, giấy tờ bị tạm giữ

Việc áp dụng biện pháp tạm giữ được bảo quản theo thủ tục chung về bảo quản tài sản thi hành án. Khi tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ; trường hợp người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng.

– Thời hạn áp dụng:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định ; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng.

3. Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

– Đối tượng bị áp dụng:

Điều 69 Luật THADS cho thấy đối tượng giấy tờ, tài sản bị áp dụng biện pháp này bao gồm:

+ Bất động sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án;

+ Động sản thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án.

– Quyền yêu cầu, căn cứ và thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản:

+ Chấp hành viên ra quyết định ngăn chặn khi phát hiện người phải thi hành án có hành vi, dấu hiệu chuyển quyền sử dụng hay tẩu tán tài sản.

+ Chấp hành viên tự mình hoặc theo yêu cầu của người được thi hành án có quyền ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án như việc tạm giữ giấy tờ tài sản.

– Trình tự, thủ tục áp dụng:

(1) Xác định thông tin về tài sản và dấu hiệu của hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, đối với tài sản của người phải thi hành án.

(2) Ra quyết định áp dụng biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án phải được thể hiện bằng quyết định của Chấp hành viên.

(3) Áp dụng quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

Biện pháp bảo đảm THADS là một trong những công cụ vô cùng quan trọng để cơ quan thi hành án dân sự sử dụng nó nhằm đảm bảo cho việc thực thi các bản án dân sự trên thực tế, nâng cao trách nhiệm của người phải thi hành án, đồng thời đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của người được thi hành án.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội