Cá nhân yêu cầu xác nhận thông tin hộ tịch trong những trường hợp nào?

Cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 87/2020/NĐ-CP căn cứ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch cấp văn bản xác nhận thông tin hộ tịch cho cá nhân có yêu cầu trong các trường hợp sau:

1. Xác nhận thông tin về một việc hộ tịch của cá nhân đã đăng ký, nhưng nội dung đăng ký đã có sự thay đổi do được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc, ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ví dụ:

– Xác nhận thông tin về việc kết hôn mà cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền đã cho phép thực hiện việc thay đổi họ, chữ đệm, tên, cải chính năm sinh của người vợ hoặc người chồng hoặc hai vợ chồng đã ly hôn.

– Xác nhận thông tin khai sinh của một cá nhân đã được xác định lại dân tộc hoặc được thôi quốc tịch Việt Nam.

Nếu thông tin hộ tịch của cá nhân không có sự thay đổi thì cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch không cấp văn bản xác nhận thông tin hộ tịch, hướng dẫn người yêu cầu làm thủ tục cấp bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao trích lục hộ tịch tương ứng, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị cấp văn bản xác nhận để giải quyết vụ việc liên quan đến cá nhân.

2. Xác nhận các thông tin hộ tịch khác nhau của cá nhân.

Ví dụ:

– Xác nhận toàn bộ các thông tin hộ tịch của một cá nhân, bao gồm: các thông tin về việc đăng ký khai sinh; đăng ký kết hôn; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc; nhận cha, mẹ, con; giám hộ; khai tử…

– Xác nhận thông tin về một số việc hộ tịch đã được đăng ký như: thông tin về đăng ký khai sinh; đăng ký nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nhận nuôi con nuôi; thông tin về việc kết hôn, ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn…

3. Xác nhận thông tin của một cá nhân trong các giấy tờ hộ tịch không thống nhất, chưa thực hiện cải chính hộ tịch, không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 4 và chưa được lập bản ghi dữ liệu hộ tịch điện tử cá nhân theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

Ví dụ:

– Cá nhân có Giấy khai sinh ghi là Trần Văn Q, sinh năm 1963; Giấy chứng nhận kết hôn ghi là Trần Mạnh Q, sinh năm 1963;

– Cá nhân có Giấy khai sinh ghi Lê Mạnh A, sinh năm 1951; Trích lục khai tử ghi Lê Hoàng A, sinh năm 1952.

4. Người yêu cầu phải gửi kèm theo bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu có liên quan để chứng minh thông tin hộ tịch. Trường hợp cần xác minh, cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch nhận được yêu cầu có văn bản đề nghị cơ quan công an, các cơ quan khác có liên quan xác minh theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 87/2020/NĐ-CP. Trường hợp kết quả xác minh không có thông tin hoặc thông tin không thống nhất với giấy tờ người yêu cầu cung cấp thì từ chối cấp văn bản xác nhận thông tin hộ tịch.

5. Văn bản xác nhận thông tin hộ tịch theo yêu cầu của cá nhân phải nêu rõ, đầy đủ nội dung, thời điểm đăng ký ban đầu; nội dung, căn cứ và thời gian thực hiện các việc thay đổi, điều chỉnh thông tin hộ tịch tính đến thời điểm cấp văn bản xác nhận.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.
Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:
  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.