Bóc phốt trên mạng xã hội: Coi chừng bị xử lý hình sự

Những hành động mượn tiếng nói của cộng đồng mạng thường được gọi là “bóc phốt” với những lời lẽ mang tính chất xúc phạm, công khai đời tư, thông tin cá nhân. Việc “bóc phốt” trên mạng xã hội không chỉ nói lên văn hóa ứng xử mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Tuỳ vào hành vi, tính chất, mức độ của hành vi mà việc bóc phốt trên mạng xã hội có thể bị xử lý như sau:

Thứ nhất, xử lý về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác

Trong trường hợp dùng những lời lẽ thô tục, chửi bới trong bài đăng, bình luận trên mạng xã hội có thể sẽ bị xử lý về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức).

Thứ hai, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự  về Tội làm nhục người khác và Tội vu khống 

Nếu “bóc phốt” mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác. Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nếu “bóc phốt” sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì người “bóc phốt” có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về Tôi vu khống.

Thứ ba, sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin của người khác

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Ngoài ra, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Theo đó, trường hợp tự ý đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác nhằm mục đích “bóc phốt” trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồngtheo điểm e khoản 3 Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Mạng xã hội cũng như ngoài đời thật, những câu chửi rủa hay vạch mặt nhau không chỉ nói lên văn hoá ứng xử giữa người với người, mà còn là một hành vi vi phạm pháp luật, nếu vượt quá giới hạn cho phép thì có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Vì vậy, mặc dù mỗi công dân đều có quyền nói, quyền trình bày quan điểm, nêu ý kiến cá nhân, nhưng không được làm tổn hại đến danh dự, uy tín, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác. Nếp sống văn minh, văn hóa là giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi tại tòa án thay vì “bóc phốt” trên các mạng xã hội. Do đó, mỗi cá nhân cần hiểu và áp dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi của mình chính là góp phần xây dựng một xã hội văn minh.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin:

– Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933

– Email: luatso1hanoi@gmail.com

– Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN

– Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.