Các căn cứ xác lập quyền đại diện?

Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Căn cứ quy định tại Điều 135 Bộ luật Dân sự năm 2015, đại diện bao gồm 02 loại: Đại diện theo ủy quyềnĐại diện theo pháp luật. Theo đó, quyền đại diện được xác lập như sau:

1. Đại diện theo ủy quyền

Đại diện theo ủy quyền được xác lập từ sự ủy quyền của người được đại diện cho người đại diện. Quan hệ đại diện theo ủy quyền hình thành trên cơ sở trước đó người đại diện và người được đại diện đã xác lập với nhau quan hệ ủy quyền. Trong đó, người ủy quyền là người được đại diện, người được ủy quyền là người đại diện.

2. Đại diện theo pháp luật

Đối với đại diện theo pháp luật, quyền đại diện được xác lập theo một trong ba căn cứ sau:

Thứ nhất, theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chỉ định người đại diện cho một cá nhân hoặc pháp nhân phi thương mại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể có quyền và lợi ích liên quan trong một số trường hợp.

Ví dụ:

– Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện (khoản 1 Điều 24 BLDS năm 2015);

– Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định (Khoản 2 Điều 136 BLDS năm 2015);

– Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện (Khoản 3 Điều 136 BLDS 2015).

Đối với pháp nhân phi thương mại thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân được xác định theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ hai, theo điều lệ của pháp nhân

Đối với pháp nhân thương mại thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người được xác định trong Điều lệ của pháp nhân đó. Tùy vào loại hình công ty, mô hình hoạt động của công ty, mà pháp nhân đó xác định ai là người đại diện theo pháp luật. Ví dụ, một pháp nhân là công ty cổ phần thì tùy vào sự xác định của điều lệ mà người đại diện theo pháp luật của công ty có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị, có thể là Tổng giám đốc/Giám đốc.

Thứ ba, theo quy định của pháp luật

Theo Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015, người đại diện theo pháp luật của cá nhân có thể là:

(1) Cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

Cha, mẹ chỉ có thể là người giám hộ của con nếu con mất năng lực hành vi dân sự (khoản 3 Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015), còn đối với con chưa thanh niên thì cha, mẹ là đồng đại diện theo pháp luật của con.

(2) Người giám hộ đối với người được giám hộ:

+ Người giám hộ của cá nhân chưa thành niên theo Điều 52 Bộ luật Dân sự năm 2015 được xác định theo thứ tự sau đây:

  1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
  2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
  3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

+ Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự theo Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015 được xác định:

  1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
  2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
  3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội