Trách nhiệm hình sự của người mắc bệnh tâm thần

Người có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và khả năng kìm chế hành vi đó để lựa chọn thực hiện hành vi khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định về trường hợp không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự là một trường hợp đặc biệt. Theo đó, để xác định một người bị bệnh tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không còn phụ thuộc vào các điều kiện khác và cả thời điểm thực hiện hành vi. Vì vậy, không phải mọi trường hợp bị bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

1. Quy định của Bộ luật Hình sự về trách nhiệm hình sự của người bị bệnh tâm thần

Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định này, để xác định một người trong tình trạng không có năng lực TNHS cần phải căn cứ vào 02 dấu hiệu:

– Dấu hiệu về y học: Người trong tình trạng không có năng lực TNHS là người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần.

Theo y học, các loại bệnh tâm thần thường gặp như các bệnh thiểu năng tâm thần, tâm thần phân liệt hoặc một số bệnh khác như loại thần do tuổi già, rối loại nhận thức sau tai biến, bệnh động kinh,…

– Dấu hiệu về tâm lý: Do mắc bệnh tâm thần đã làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi.

Dấu hiệu về tâm lý phản ánh khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm của hành vi, nhận thức về những đòi hỏi của xã hội khi thực hiện hành vi nhất định. Người không có năng lực trách nhiệm hình sự là người bị mất đi năng lực đánh giá hành vi đã thực hiện, họ không hiểu được hành vi đó là đúng hay sai, có phù hợp với quy định của pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội hay không.

Theo ngành y học và tâm lý học thì khi một người mất năng lực nhận thức tất yếu cũng làm mất đi khả năng điều khiển hành vi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mắc các loại bệnh khác như động kinh có lúc lên cơn bệnh tuy nhận thức vẫn còn nhưng do xung đột bệnh lý nên người bị bệnh không thể điều khiển hành vi của mình như mong muốn.

Như vậy, một người được coi là trong tình trạng không có năng lực TNHS phải đồng thời thỏa mãn hai dấu hiệu y học (mắc bệnh) và tâm lý (khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi). Trong đó, dấu hiệu y học đóng vai trò là nguyên nhân và dấu hiệu tâm lý là kết quả, nhưng không có nghĩa đã mắc bệnh tâm thần thì đều dẫn đến việc mất năng lực nhận thức hoặc mất năng lực điều khiển hành vi. Năng lực này có mất hay không không những phụ thuộc vào loại bệnh mà còn phụ thuộc vào mức độ bệnh và tính chất của hành vi.

2. Quy định về Trưng cầu giám định 

Để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (tại khoản 1 Điều 206).

Điều 206. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định

Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có sự nghi ngờ người bị buộc tội bị bệnh tâm thần hoặc có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải ra quyết định trưng cầu giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Căn cứ vào Kết luận giám định để xác định TNHS của người mắc bệnh tâm thần

Kết luận giám định tư pháp là căn cứ để kết luận một người gây thiệt hại cho xã hội có thuộc trường hợp loại trừ TNHS hay không. Kết luận giám định sẽ xảy ra 03 trường hợp sau:

– Trường hợp 1: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất hoàn toàn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu TNHS đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện.

– Trường hợp 2: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì vấn đề TNHS vẫn được đặt ra.

– Trường hợp 3: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mà vẫn có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì người đó vẫn chịu TNHS bình thường đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện.

Theo tinh thần của Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh. Đồng thời, tình trạng bệnh ở mức làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi. Do đó, nếu người bị mắc bệnh tâm thần vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện khi họ rơi vào trường hợp 2 và trường hợp 3 như đã phân tích ở trên.

4. Nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xử lý ra sao?

Về vấn đề này, Điều 49 BLHS 2015 có quy định:

– Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật Hình sự, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

– Đối với trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều 49 của BLHS 2015 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Không ít đối tượng phạm tội giở thủ đoạn giả điên hòng trốn tránh sự trừng trị của pháp luật. Nhiều đối tựợng khẳng định bị tâm thần, nhưng thực chất hoàn toàn bình thường. Đối với trường hợp này, cơ quan chức năng phải giám định tâm thần lại nhiều lần và kiên quyết đấu tranh đến cùng với tội phạm. Nhằm tránh bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm minh, nhằm đảm bảo pháp luật thực thi.