Trách nhiệm của người điều khiển tàu trong các vụ tai nạn đường sắt

Hiện nay, các vụ tai nạn đường sắt xảy ra với tần xuất rất cao. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông đường sắt đều xảy ra tại các vị trí giao cắt, tại đường ngang có biển báo, lối đi tự mở. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát, không chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường sắt – đường bộ.

Vậy khi xảy ra tai nạn như vậy thì người điều khiển tàu có phải chịu trách nhiệm không? Dưới đây là quy định pháp luật về các vấn đề trách nhiệm của người điều khiển tàu.

1. Thông tư 25/2018/TT-BGTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

Theo Điều 31 Thông tư 25/2018/TT-BGTVT quy định về giao thông đường bộ trong phạm vi đường ngang thì:

” Người tham gia giao thông đường bộ khi đi ngang qua đường ngang phải chấp hành quy định của Luật Đường sắt, Luật giao thông đường bộ đồng thời thực hiện các quy định như:

– Phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt;  

– Phải chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các báo hiệu trong phạm vi đường ngang;

– Khi có báo hiệu dừng của nhân viên gác chắn, người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước vạch “Dừng xe”;

– Nghiêm cấm người không có nhiệm vụ tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng

– Đối với đường ngang tổ chức phòng vệ bằng biển báo, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại trước vạch dừng, lắng nghe còi tàu, chú ý quan sát tàu đến từ xa ở 2 phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện giao thông đường sắt tới đường ngang mới được đi qua và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.”

Bên cạnh đó, quy tắc đối với người điều khiển tàu qua đường ngang: Ngoài việc tuân thủ quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật đường sắt 2017 thì Khi sắp đến đường ngang, người điều khiển tàu phải kéo còi, chú ý tín hiệu ngăn đường, tín hiệu cảnh báo đường ngang (nếu có), chú ý quan sát đường ngang để nhanh chóng hãm tàu khi thấy có tín hiệu dừng tàu hoặc có trở ngại trên đường ngang.

2. Luật Đường sắt 2017.

Theo Điều 44 Luật đường sắt 2017 quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

– Khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện các công việc sau đây:

+> Lái tàu hoặc nhân viên đường sắt khác trên tàu dừng tàu khẩn cấp;

+> Trưởng tàu tổ chức phân công nhân viên đường sắt và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn cứu giúp người bị nạn, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của người bị nạn, đồng thời phải báo ngay cho tổ chức điều hành giao thông đường sắt hoặc ga đường sắt gần nhất.

Trường hợp tàu, đường sắt không bị hư hỏng, trưởng tàu tiếp tục cho tàu chạy sau khi đã lập biên bản báo cáo về vụ tai nạn và cử người thay mình ở lại làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

=> Về trách nhiệm của người điều khiển tàu: Đường sắt là đường ưu tiên, nhưng các cá nhân, tổ chức tham gia vận hành giao thông đường sắt đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn.

+> Nếu người lái tàu tuân thủ đúng các quy định pháp luật về điều khiển tàu và các trách nhiệm liên quan thì khi xảy ra sự cố, xảy ra tai nạn đường sắt, người lái tàu không phải chịu trách nhiệm.

+> Nếu trong trường hợp mà lỗi trực tiếp do lái tàu gây ra, lái tàu và phụ lái tàu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường sắt.

=> Về trách nhiệm của Tổng công ty đường sắt Việt Nam:

Vị trí xảy ra tai nạn thường là nơi đường bộ giao nhau với đường sắt, nên khi điều khiển xe qua nơi giao nhau này lái xe phải tuyệt đối quan sát, để xảy ra tai nạn thì người đầu tiên bị xem xét trách nhiệm là lái xe.

Tuy nhiên, cần phải xem xét nơi giao nhau này đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cảnh báo, rào chắn theo đúng quy định chưa, nếu nơi giao nhau này ngành đường sắt chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp cảnh báo, rào chắn theo quy định của luật giao thông thì ngành đường sắt cũng có trách nhiệm trong vụ tai nạn giao thông này và họ phải bồi thường trách nhiệm dân theo quy định của Bộ luật dân sự.