TỘI XÂM PHẠM CHỖ Ở CỦA NGƯỜI KHÁC

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là một trong các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, được quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

1. Khách thể của tội phạm

– Khách thể của tội xâm phạm chỗ ở của người khác là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác, quyền này đã được ghi nhận tại Điều 22 Hiến pháp năm 2013:

Điều 22.

1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.

– Đối tượng của tội phạm là chỗ ở của cá nhân. Chỗ ở của người khác được hiểu là nơi ở hợp pháp, thường xuyên hoặc tạm trú, cố định hoặc di động, có thể là nhà ở, ký túc xá, tàu thuyền của ngư dân mà cả gia đình họ sinh sống trên tầu thuyền đó như là nhà ở của mình,…

2. Dấu hiệu mặt khách quan

Tội tội phạm chỗ ở của người khác được quy định có các loại hành vi sau:

(1) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác

“Khám xét trái pháp luật” có thể được thể hiện dưới những dạng sau:

– Hành vi của người không có thẩm quyền trong việc khám xét chỗ ở của người khác, tự ý vào khám xét một cách trái pháp luật;

– Hành vi của người tuy có thẩm quyền trong việc khám xét chỗ ở của người khác nhưng việc khám xét không tuân thủ quy định về thủ tục mà luật định.

Để xem xét trường hợp nào là khám xét chỗ ở trái pháp luật phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về trường hợp được khám chỗ ở. Cụ thể, việc khám xét chỗ ở có liên quan đến hành vi phạm tội được tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, còn việc khám chỗ ở có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính được tiễn hành theo Luật xử phạt vi phạm hành chính.

(2) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ.

Đây là hành vi dùng mọi thủ đoạn như vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép tinh thần,… để đuổi người khác ra khỏi chỗ ở của họ, mà không thuộc các trường hợp được pháp luật quy định như để cưỡng chế thi hành bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Ví dụ: các trường hợp chủ nợ xiết nợ, tranh chấp thừa kế, tranh chấp trong trong quan hệ thuê nhà, mượn nhà.

(3) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ.

Hành vi này được biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: Dùng thủ đoạn gian dối lừa chủ nhà và gia đình họ ra khỏi chỗ ở rồi chiếm chỗ ở, tự ý dọn đồ của chủ nhà ra ngoài để chuyển đồ đạc của mình vào nhà khi chủ nhà đi vắng rồi ở luôn trong nhà.

(4) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

Đây là hành vi xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc của người quản lý hợp pháp.

Ví dụ: Lợi dụng người chủ nhà đi công tác, có hành vi tự ý phá khóa vào ở.

3. Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Chủ thể nhận được hành xâm phạm chỗ ở của người khác là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện.

4. Hình phạt

Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định 02 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung.

– Khung hình phạt cơ bản:

Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người thực hiện một trong các hành vi:

+ Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

+Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

+ Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

– Khung hình phạt tăng nặng:

Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Có tổ chức;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

– Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933

  • Email: luatso1hanoi@gmail.com

  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN

  • Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội