THỜI HIỆU TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được hiểu là thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự mà khi hết thời hạn đó người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là hết sức cần thiết, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể như sau:

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, trên cơ sở phân loại tội phạm, tức căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng loại tội phạm: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định với các mức như sau:

(1) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng

Tội phạm ít nghiêm trọng là khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mà tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi này được xác định là không lớn và mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù có thời hạn đến ba năm.

(2) 10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm lớn cho xã hội, có thể áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt từ 03 năm tù đến 07 năm tù.

(3) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm mang tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn, có thể bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.

(4) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm mang tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc là tử hình.

2. Cách tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện.

– Nếu trong thời hạn nêu trên, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

– Nếu trong thời hạn quy định nêu trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

3. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không phải đương nhiên được áp dụng đối với tất cả các tội phạm. Quy định này không được áp dụng đối với một số tội phạm theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với các tội phạm này, cơ quan quan tiến hành tố tụng có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự bất cứ lúc nào từ lúc có hành vi phạm tội.

(1) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự năm 2015

Bởi lẽ, các tội xâm phạm an ninh quốc gia là các tội phạm đe dọa gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trực tiếp xâm phạm đến chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng và an ninh của đất nước. Vì thế, dù thời gian phạm tội đã trôi qua bao lâu vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự và không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội là vô cùng cần thiết.

(2) Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự năm 2015

Quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm này đã trở thành nguyên tắc quốc tế trên toàn cầu thể hiện ở việc đã quốc tế trên toàn cầu thể hiện trong nhiều điều ước quốc tế.

(3) Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật Hình sự.

Tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ là các tội có tính nguy hiểm cho xã hội lớn nhất trong nhóm các tội phạm tham nhũng. Các tội phạm này đều là thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trước tình hình tham nhũng đang trở thành quốc nạn như hiện nay, quy định này là thực sự cần thiết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội