Quyết định, hành vi nào là đối tượng của khiếu nại tư pháp?

Đối tượng của khiếu nại tư pháp là quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại.

Quyết định, hành vi tố tụng là quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp được quy định trong các văn bản pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, phá sản doanh nghiệp, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự-hành chính, quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam.

Như vậy, chỉ những quyết định, hành vi tố tụng mới là đối tượng của khiếu nại tư pháp. Tuy nhiên, không phải tất cả quyết định, hành vi tố tụng đều có thể trở thành đối tượng của khiếu nại tư pháp mà chỉ những quyết định, hành vi tố tụng được quy định cụ thể trong phần quy định về khiếu nại của các văn bản pháp luật về tố tụng mới là đối tượng của khiếu nại tư pháp. Ví dụ: các quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính như: Bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác không phải là đối tượng của khiếu nại trong tố tụng hành chính.

Các quyết định, hành vi tố tụng là đối tượng của khiếu nại tư pháp bao gồm:

 – Trong tố tụng hình sự: Quyết định tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Quyết định của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; Quyết định của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán; Quyết định của Người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra.  Hành vi tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án; Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (theo Điều 470 Bộ Luật TTHS 2015).

– Trong tố tụng dân sự: Quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại đều là đối tượng của khiếu nại trong tố tụng dân sự, ngoại trừ: bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành tố tụng dân sự ban hành nếu có khiếu nại, kiến nghị (Theo Điều 499 Bộ luật TTDS 2015).

– Trong tố tụng hành chính: các quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính của cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, ngoại trừ: Bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác (theo Điều 327 Luật TTHC 2015).

– Trong thi hành án hình sự: quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành án hình sự trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại (theo Khoản 1 Điều 176 Luật THAHS 2019).

– Trong thi hành án dân sự: quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (theo Khoản 1 Điều 140 Luật THADS 2008).

– Trong thi hành án hành chính: quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân phát sinh trong quá trình thi hành án hành chính trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại (Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP).

– Trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình (theo Khoản 1 Điều 44 Luật THTGTG 2015).

– Trong xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án: Các quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại (theo Điều 29 Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13). Hành vi trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án trong việc giao, nhận hồ sơ, thụ lý, phân công Thẩm phán, yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ, gửi quyết định của Tòa án, mở phiên họp, thành phần phiên họp, thời hạn giải quyết; Hành vi khác trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình (theo Điều 37 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13). Các hành vi khác không liên quan đến việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nếu bị khiếu nại thì được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, không được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!