Quyền lợi của người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ”

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhiều địa phương đã thực hiện các biện pháp mạnh, trong đó có việc tổ chức thực hiện “3 tại chỗ”. Vậy “3 tại chỗ” là gì? Người lao động (NLĐ) có quyền lợi gì liên quan đến việc thực hiện “3 tại chỗ”?

1. “3 tại chỗ” là gì?

– Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức hoạt động thực hiện “3 tại chỗ” được hiểu là: Sản xuất tại chỗ – Ăn tại chỗ – Nghỉ tại chỗ.

– Doanh nghiệp thực hiện “03 tại chỗ” phải đảm bảo các yêu cầu về:

(1) Phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn;

(2) Đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động (nếu thực hiện việc lưu trú tập trung) theo quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

(3) Đảm bảo chất lượng bữa ăn, sức khỏe người lao động.

(Theo Công văn 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM của BLĐTBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 14/7/2021)

2. Người lao động có quyền lợi gì khi thực hiện “3 tại chỗ”?

(1️) NLĐ thực hiện “3 tại chỗ” được công đoàn hỗ trợ tiền ăn

NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất được hỗ trợ tiền một lần 1 triệu đồng/NLĐ tiền ăn.

(Theo hướng dẫn tại Quyết định 3089/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 24/8/2021)

(2️) NLĐ không thực hiện “3 tại chỗ” có thể được nhận tiền lương ngừng việc và tiền hỗ trợ Covid-19 theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg

– Doanh nghiệp được phép hoạt động khi đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ”, tuy nhiên có một số NLĐ không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu “3 tại chỗ” của doanh nghiệp thì NLĐ và doanh nghiệp có thể thống nhất như sau:

+ Doanh nghiệp cho NLĐ ngừng việc và trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019.

+ Trong trường hợp này, NLĐ được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

– Ngoài cách thỏa thuận trên NLĐ và doanh nghiệp còn có thể thỏa thuận theo cách khác như:

+ Thống nhất với NLĐ tạm hoãn HĐLĐ (theo điểm h khoản 1 Điều 30 BLLĐ 2019) hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương (theo khoản 3 Điều 115 BLLĐ 2019).

+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật lao động như: thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ (theo khoản 3 Điều 34 BLLĐ 2019); thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ theo điểm c khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019.

(Theo hướng dẫn tại Công văn 2844/LĐTBXH-PC của Bộ LĐTBXH ngày 25/8/2021)

(3️) Quyền lợi khi doanh nghiệp ngừng hoạt động vì không đáp ứng được “3 tại chỗ”:

Doanh nghiệp ngừng hoạt động vì không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ” thì được xem là “phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19”.

Đây là một trong những điều kiện để NLĐ làm việc tại doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương theo quy định tại Điều 13 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

(Theo hướng dẫn tại Công văn 2844/LĐTBXH-PC của Bộ LĐTBXH ngày 25/8/2021).

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933

  • Email: luatso1hanoi@gmail.com

  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN

  • Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội