Phạm vi hòa giải vụ án dân sự

Hòa giải vụ án dân sự là hoạt động tố tụng do tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án dân sự. Vì thế, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định hòa giải là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm và hòa giải được áp dụng đối với hầu hết các vụ án dân sự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được và việc không hòa giải được này xuất phát từ nhiều lý do mà trong đó còn bởi các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Tại khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định:

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Theo quy định nêu trên, hòa giải hầu như được tiến hành với tất cả các vụ án trừ trường hợp không hòa giải được hoặc pháp luật quy định không được hòa giải hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

1. Những vụ án không được hòa giải

Điều 206 BLTTDS năm 2015 quy định các vụ án không được hòa giải bao gồm:

– Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản nhà nước:

Mọi hành vi gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước đều là trái pháp luật và buộc phải bồi thường. Người gây thiệt hại không có quyền điều chỉnh, thương lượng với nhà nước về mức độ bồi thường và bồi thường như thế nào.

– Những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm hoặc trái đạo đức xã hội

Đây là những giao dịch dân sự vô hiệu nên khi giải quyết các vụ án này, Tòa án sẽ giải quyết theo hướng tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu, Vì theo nguyên tắc, khi giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, nên Tòa án không thể tiến hành hòa giải.

2. Những vụ án không tiến hành hòa giải được

Điều 207 BLTTDS năm 2015 quy định các vụ án không tiến hành hòa giải được đó là:

Vụ án có thể vì nhiều lý do mà không tiến hành hòa giải được. Nhưng trong một số trường hợp không vì vậy mà ngừng hay chấm dứt giải quyết các vụ án. Các trường hợp không tiến hành hòa giải được cụ thể như sau:

– Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt

Trường hợp này được xác định khi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã được triệu tập nhưng cố tình không đến, ngoại trừ các trường hợp vắng mặt do lý do khách quan hoặc trường hợp bất khả kháng. Trường hợp này, Thâm phán lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải và quyết định đưa vụ án ra xét xử.

– Đương sự không thể tham gia hòa giải vì có lý do chính đáng

Đây là trường hợp các đương sự không có điều kiện để tiến hành hòa giải như: có một bên đang ở nước ngoài, đang bị giam giữ hoặc những trở ngại khách quan như tai nạn, ốm đau,…nên không thể có mặt trước khi hòa giải.

– Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự

Theo quy định của pháp luật thì đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Tuy nhiên trong trường hợp một bên bị mất năng lực hành vi dân sự, họ không thể hiểu biết rõ về việc ủy quyền, thế nào là ly hôn hay các vấn đề pháp luật khác. Vì vậy, trường hợp này không thể tiến hành hòa giải và pháp luật cũng không quy định.

– Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải

Đây là điểm mới được quy định trong BLTTDS năm 2015. Xuất phát từ tinh thần tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên đương sự. Khi một trong các đương sự đề nghì không tiến hành hòa giải thì vụ án đó sẽ không tiến hành hòa giải được.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội