Những điểm mới của nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nhằm thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Theo nghị định, các lỗi vi phạm giao thông đường bộ như: Nồng độ cồn vượt mức cho phép, sử dụng ma túy, đi không đúng phần đường, đi ngược chiều của  đường một chiều hoặc trên đường có biển cấm, không chấp hành hiệu lệnh, chuyển hướng không đúng quy định, vi phạm quy định về tốc độ, vượt xe không đúng quy định,… sẽ bị tăng mức phạt tiền gấp nhiều lần so với trước đây.

Ví dụ, một trong những điểm mới nổi bật trong nghị định 100 là các quy định đối với nồng độ cồn. Theo đó, người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở sẽ bị xử phạt từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng ( trước đây chỉ xử phạt 16 – 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 04 – 06 tháng).

Hay quy định phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở chưa vượt quá 50 miligam/ 100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam/ 1 lít khí thở ( trước đây không có quy định).

Đặc biệt đó là, người đi xe đạp, xe đạp điện mà sử dụng rượu, bia cũng sẽ bị phạt ở mức cao nhất từ 400.000 đồng – 600.000 đồng ( trước đây không có quy định).

Ngoài ra Nghị định mới quy định rõ về việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy tắc giao thông mà gây tai nạn giao thông như: Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, Nghị định bổ sung hình thức xử phạt tịch thu phương tiện đối với trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông không có giấy đăng ký xe hoặc sử dụng giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa ( kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện. Đồng thời quy định trường hợp được loại trừ, không bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện (quá niên hạn sử dụng kinh doanh vận tải nhưng chưa quá niên hạn sử dụng chung theo quy định).

Ngoài ra, điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ như: Vi phạm quy định về xếp hàng, khai thác bến xe, cập nhật truyền dữ liệu, niêm yết, bộ phận quản lý các điều kiện an toàn giao thông, sử dụng phương tiện, quản lý hồ sơ phương tiện, quản lý người lái xe, khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe, thiết bị giám sát hành trình của xe; … bổ sung quy định về việc cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên chương trình quản lý kiểm định để khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, cơ quan kiểm định thực hiện việc kiểm định theo quy định và cấp giấy chứng nhận kiểm định có thời hạn hiệu lực là 15 ngày (khoản 12 Điều 80 Nghị định)…

Đáng chú ý là việc điều chỉnh tăng mức xử phạt đối các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện.