Người ra đường khi không cần thiết trong thời gian dịch bệnh bị xử phạt như thế nào?

Cơ quan chức năng đã liên tiếp xử phạt nhiều người ra đường vì lý do không cần thiết trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Việc xử phạt này có căn cứ hay không? Hình thức xử phạt như thế nào?

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Các ngành, các cấp, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:

1. Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở  nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết:

.a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

.b) Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…

.c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố đã họp và đưa ra thông điệp: “Tất cả những trường hợp không nằm trong diện quy định tại Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng mà ra đường thì đều bị phạt”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, từ khi có Chỉ thị của Thủ tướng đến nay, lực lượng công an cơ sở, Công an TP. Hà Nội đã xử lý nhiều trường hợp người dân ra đường không thuộc diện được phép. Có thể kể đến một số trường hợp như là vào ngày 05/4, Công an phường Văn Quán, quận Hà Đông đã lập biên bản, xử phạt hành chính đối với 05 cá nhân ra đường không có lý do cần thiết. Tổ công tác làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch Covid-19 đã phát hiện 05 nam thanh niên đi ra đường với lý do tìm quán Internet để chơi điện tử. Công an phường Văn Quán đã xử phạt hành chính 5 trường hợp này ra đường không có lý do cần thiết, mỗi người 200.000 đồng.

Vậy căn cứ xử phạt người dân ra đường trong thời gian này mà không có lý do cần thiết là gì?

Điều 8 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong việc phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong đó có việc không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, người vi phạm có thể bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, theo điểm a, khoản 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP, Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”.

Việc xử phạt đối với người ra đường không có lý do cần thiết là hoàn toàn có căn cứ, cơ sở pháp lý bởi kể từ ngày 01/4/2020 thì việc cách ly xã hội đã được quy định rất rõ, không còn là khuyến cáo hay cảnh báo như các chỉ thị trước đó. Việc ra quyết định xử phạt sẽ khả thi khi người dân ra đường vi phạm nguyên tắc về giãn cách xã hội, không giữ khoảng cách 2m, tụ tập từ 2 người trở lên và không thực hiện các biện pháp phòng dịch.