Người làm chứng trong vụ án hình sự là người chưa thành niên?

Theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, người chưa thành niên được hiểu là người chưa đủ mười tám tuổi. Với độ tuổi này, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm lý, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án. Do đó tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân mà họ cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng hình sự. Trong trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên thì pháp luật quy định như thế nào? Xin mời quý độc giả cùng theo dõi nội dung dưới đây:

1. Người chưa thành niên có được tham gia với tư cách là người làm chứng trong vụ án hình sự hay không?

Trong tố tụng hình sự, vai trò của người làm chứng rất quan trọng, có ý nghĩa trong việc xác định sự thật của vụ án. Người làm chứng có thể trực tiếp biết các tình tiết có liên quan đến vụ án, họ cũng có thể gián tiếp biết các tình tiết đó qua người khác. Họ tham gia tố tụng để khai báo những gì họ biết về vụ án nên họ phải trực tiếp tham gia tố tụng không thể thông qua người đại diện.

– Theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự thì: “Người làm chứng trong tố tụng hình sự là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.”

– Những người sau đây không được làm chứng:

  • Người bào chữa của người bị buộc tội;
  • Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

Từ quy định nêu trên, có thể hiểu, bất kì cá nhân nào cũng có thể được xác định là người làm chứng trong vụ án hình sự nếu như đáp ứng được các điều kiện Luật định. Trong Bộ Luật Hình sự cũng như Bộ Luật Tố tụng hình sự không hề nhắc đến điều kiện độ tuổi của người làm chứng. Chỉ cần cá nhân đó biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và không thuộc các trường hợp cấm thì đều được coi là người làm chứng trong vụ án hình sự. Các cơ quan có thẩm quyền sử dụng lời khai của người làm chứng như một nguồn chứng cứ, nguồn tham khảo để cân nhắc thêm trong quá trình điều tra và giải quyết vụ án hình sự chứ không phải là căn cứ duy nhất để giải quyết vụ án hình sự

Chính vì vậy, người chưa thành niên nếu biết được những tình tiết liên quan đến vụ án hình sự, đồng thời không thuộc các trường hợp cấm thì đều có thể được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập với tư cách là người làm chứng.

Người làm chứng là người chưa thành niên

2. Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng là người chưa thành niên

– Người làm chứng (trong đó bao gồm người làm chứng là người chưa thành niên) có những quyền sau đây:

  • Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người làm chứng;
  • Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
  • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
  • Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

– Người làm chứng (trong đó bao gồm người làm chứng là người chưa thành niên) có những nghĩa vụ sau đây:

  • Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
  • Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

3. Những yêu cầu khi lấy lời khai của người làm chứng là người chưa thành niên

Vì người chưa thành niên là đối tượng dễ bị tổn thương, cần phải được pháp luật bảo vệ. Do đó, đối với việc lấy lời khai của người làm chứng là người chưa thành niên cũng cần phải đặt ra những yêu cầu đặc biệt.

Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH hướng dẫn quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành, việc lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên phải được thực hiện theo các yêu cầu sau:

– Thứ nhất, việc lấy lời khai của người làm chứng là người chưa thành niên có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Nơi lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên cần được bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái.

– Thứ hai, Điều tra viên, Kiểm sát viên khi tiến hành lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ.

Thứ ba, khi lấy lời khai của người làm chứng là trẻ em, cơ quan tiến hành tố tụng phải mời cha mẹ, người đỡ đầu, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy cô giáo của người đó tham dự.

Theo yêu cầu của người làm chứng là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan tiến hành tố tụng có thể mời đại diện cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc cán bộ trợ giúp khác tham gia để hỗ trợ cho họ.

Thứ tư, cơ quan tiến hành tố tụng cần dựa trên độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, phát triển của người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên và yêu cầu điều tra để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất số lần phải lấy lời khai cũng như xác định thời lượng các lần lấy lời khai đối với họ. Việc lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên phải tạm dừng ngay khi họ có biểu hiện mệt mỏi ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.

Thứ năm, khi lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng có thể ghi âm, ghi hình và phải ghi vào biên bản về việc này để khi tiến hành xét xử vụ án, Hội đồng xét xử có thể sử dụng băng ghi âm, ghi hình đó bổ trợ cho các chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội