Người khiếu nại phải đáp ứng những điều kiện gì

Để thực hiện quyền khiếu nại thì người khiếu nại phải đáp ứng điều kiện gì?

Tuy mọi người có quyền khiếu nại nhưng không phải mọi người đều thực hiện được quyền khiếu nại mà chỉ những người có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới thực hiện được quyền khiếu nại, khi đó khiếu nại của họ mới được thụ lý giải quyết. Nếu người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp thì khiếu nại sẽ không được thụ lý giải quyết.

Theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 11 Luật Khiếu nại 2011 thì người khiếu nại phải đảm bảo các điều kiện sau:

– Phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp hay bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi bị khiếu nại. Ví dụ: đối với khiếu nại quyết định kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước thì chỉ có cán bộ, công chức bị tác động trực tiết bởi quyết định kỷ luật mới là người có quyền khiếu nại; người khiếu nại trong thi hành tạm giữ, tạm giam chỉ là người bị tạm giữ, người bị tạm giam; người khiếu nại kiểm toán chỉ có thể là đơn vị được kiểm toán…

– Phải có người đại diện hợp pháp thực hiện khiếu nại (cả người khiếu nại là cá nhân và cơ quan, tổ chức);

– Đối với người khiếu nại là cá nhân phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật khi tự mình khiếu nại.

Theo Bộ luật Dân sự 2015 thì người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phải là người đủ 18 tuổi trở lên và không bị mắc các bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức hoặc điều khiển được hành vi của mình hoặc bị hạn chế năng lực hành vi do nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác.

Người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện quyền khiếu nại như thế nào cho đúng?

Người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ vẫn có quyền khiếu nại nhưng việc thực hiện khiếu nại phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định tại Điều 12 Luật Khiếu nại 2011, cụ thể:

– Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại.

– Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại. Một số trường hợp đặc biệt người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng vẫn có thể tự mình khiếu nại, cụ thể:

– Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi vi phạm hành chính do mình gây ra nên khi không đồng ý với quyết định xử lý hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có thể tự mình thực hiện việc khiếu nại quyết định đó.

– Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Khoản 2 Điều 45 Luật Thi hành TGTG 2015 quy định).

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!