Quy định về lãi và lãi suất trong hợp đồng vay tài sản

Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là tỉ lệ nhất định mà bên vay phải trả thêm vào số tài sản hoặc số tiền vay đã tính theo đơn vị thời gian. Lãi suất thường được tính theo tuần, tháng hoặc năm do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Căn cứ vào lãi suất, số tiền vay và thời gian vay mà bên vay phải trả một số tiền nhất định (tiền lãi). Số tiền này tỉ lệ thuận với lãi suất, số tiền đã vay và thời gian vay.

1. Hợp đồng vay tài sản không lãi

Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về nghĩa vụ trả lãi thì hợp đồng vay tài ản được coi là hợp đồng vay không lãi. Bên vay chỉ có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã vay trong thời hạn thỏa thuận hoặc trong thời gian hợp lý mà bên cho vay thông báo trước.

1.1 Lãi trong trường hợp trả đúng hạn

Trường hợp bên vay đã thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản đã vay đúng theo kỳ hạn đã thỏa thuận, vậy nên, bên vay không phải trả bất kỳ lãi nào.

1.2 Lãi trong trường hợp quá hạn

Trường hợp các bên thỏa thuận không cần trả lãi mà bên vay vi phạm nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã vay theo đúng thời hạn thỏa thuận (không trả hoặc trả không đầy đủ) thì áp dụng quy định tại Khoản 4 Điều 466 BLDS năm 2015:

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Theo quy định trên, nghĩa vụ trả lãi chỉ phát sinh khi có yêu cầu của bên cho vay, trường hợp không có yêu cầu thì phần lãi trên nợ gốc quá hạn này sẽ không phát sinh. Trường hợp bên cho vay yêu cầu, thì bên vay có nghĩa vụ phải trả cho bên vay phần lãi tương ứng với phần nợ gốc quá hạn. Lãi suất được tính theo khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 bằng 10%/năm. Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn = số tiền chậm trả x thời gian chậm trả nợ gốc x 10%.

2. Hợp đồng vay tài sản có lãi

2.1 Hợp đồng vay tài sản không là hợp đồng tín dụng

a) Lãi trong trường hợp trả đúng hạn

Khi bên vay trả lãi đúng trong kỳ hạn đã thỏa thuận thì bên vay phải trả số tiền lãi tương ứng với thời hạn và lãi suất thỏa thuận. Cụ thể: Lãi trong hạn = Lãi suất thỏa thuận x thời hạn vay x số tiền vay.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận cụ thể về lãi suất cho vay thì sẽ áp dụng khoản 2, Điều 468, theo đó: Lãi trong hạn = 10%/năm x thời hạn vay x số tiền vay.

Trường hợp có tranh chấp về lãi trong hạn mà hai bên trước đó đã thỏa thuận mức lãi suất cao hơn mức trần 20%/năm, thì căn cứ vào đoạn 2, Khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015, công thức tính lãi như sau:

Lãi trong hạn = 20%/năm x thời hạn vay x số tiền vay

b) Lãi trong trường hợp quá hạn

Nếu bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì khi quá hạn trả nợ sẽ phải gánh chịu một khoản lãi tăng thêm. Khoản 5 Điều 466 quy định:

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, trong tất cả các trường hợp (có hoặc không thỏa thuận), thì bên vay có thể phải chịu các khoản lãi sau đây:

(1) Lãi trên nợ gốc trong hạn

Lãi trên nợ gốc trong hạn = Số tiền nợ gốc chưa trả x Lãi suất trong hạn x Thời hạn vay

(2) Lãi trên nợ gốc quá hạn

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = Nợ gốc quá hạn chưa trả x Lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc 150% lãi suất vay quy định trong hợp đồng x Thời gian chậm trả nợ gốc.

(3) Lãi đối với tiền lãi trong hạn chậm trả

Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = Nợ lãi chưa trả x Lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS tại thời điểm trả nợ hoặc lãi suất chậm trả lãi thỏa thuận x Thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc

2.2 Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng tín dụng

Căn cứ quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Điều 8 Nghị quyết 01/2019 thì các loại lãi mà bên vay phải trả bao gồm:

– Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

– Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng phải phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng (lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay).

– Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định tương ứng với thời gian chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn (không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả).

2.3 Lãi và Lãi suất trong họ hụi, biêu, phường

Theo quy định tại khoản 3 Điều 471 BLDS năm 2015 quy định việc giao dịch họ có lãi nhưng “trường hợp tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất thực hiện theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, việc tính lãi họ phải bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015.

Hợp đồng họ về cơ bản được chia làm 02 loại: họ có lãi và họ không có lãi. Đối với họ không có lãi thì vấn đề lãi trong hạn không được đặt ra nhưng nếu bên có nghĩa vụ chậm thực hiện nghĩa vụ khi đến kỳ mở họ thì có thể phát sinh lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Đối với loại họ có lãi cũng tương tự như hợp đồng vay tài sản thông thường, sẽ có hai loại là lãi trong hạn và lãi quá hạn. Tuy vậy, điểm đặc trưng của các hợp đồng họ là lãi theo kỳ mỗi kỳ ở họ tương ứng giữa những người chơi họ với nhau nên việc xác định lãi trong hạn và quá hạn khá phức tạp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội