Khiếu nại là gì? Hình thức khiếu nại?

1. Có những hình thức khiếu nại nào?

Hình thức khiếu nại là cách thức thực hiện quyền khiếu nại của công dân để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Pháp luật quy định chung là việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp. Tuy nhiên trong một số khiếu nại, luật quy định chỉ được khiếu nại bằng đơn như khiếu nại trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, khiếu nại lần hai…

Có 02 hình thức khiếu nại cơ bản sau:

  • Khiếu nại bằng đơn khiếu nại

      – Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ. Nếu người khiếu nại không ký tên hoặc điểm chỉ thì đơn sẽ không được thụ lý giải quyết.

      – Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại. Người đại diện phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại 2011.

  • Khiếu nại trực tiếp

     – Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011.

    – Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011. Người đại diện phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại 2011.

2. Khiếu nại nào bắt buộc phải thực hiện bằng đơn?

Một số trường hợp khiếu nại bắt buộc phải bằng đơn gồm:

     – Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai (theo Điều 33 Luật Khiếu nại 2011).

    – Khiếu nại trong tố tụng dân sự: Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại (Điều 503 Bộ luật TTDS 2015).

    – Khiếu nại trong tố tụng hành chính: Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại (Điều 331 Luật TTHC 2015).

   – Khiếu nại kiểm toán: Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại. Khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện. Đơn khiếu nại phải do người đại diện theo pháp luật của đơn vị được kiểm toán hoặc người được người đại diện theo pháp luật uỷ quyền ký tên, đóng dấu. Đơn khiếu nại phải ghi rõ các nội dung sau đây: Ngày, tháng, năm khiếu nại; Tên, địa chỉ của đơn vị được kiểm toán; Tên, ngày, tháng, năm của báo cáo kiểm toán bị khiếu nại; Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của đơn vị được kiểm toán; Các giấy tờ, tài liệu khác kèm theo đơn (nếu có) (Điều 11 Quyết định số 03 /2016/QĐ-KTNN)

3. Đơn khiếu nại là gì?

Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ định nghĩa:

“Đơn là văn bản có nội dung được trình bày dưới một hình thức theo quy định của pháp luật, gửi đến cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền để khiếu nại hoặc tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh.”

Như vậy, đơn khiếu nại là đơn theo quy định của pháp luật dùng đề khiếu nại. Đơn khiếu nại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

  – Về hình thức: Chữ viết dùng trong đơn phải là tiếng Việt và được người khiếu nại ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ, chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn; được trình bày dưới một hình thức theo quy định của pháp luật (theo Mẫu số 01A-KN ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-TTCP).

  – Về nội dung, đơn phải ghi rõ các nội dung sau: Ngày, tháng, năm khiếu nại; Tên, địa chỉ của người khiếu nại; Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; Nội dung, lý do khiếu nại; Tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại; Yêu cầu giải quyết của người khiếu nại; Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

  – Về mục đích: Để khiếu nại. Nếu đơn ghi tiêu đề là “Đơn khiếu nại” nhưng nội dung lại thể hiện là kiến nghị, phản ánh hay tố cáo thì sẽ không được xem là đơn khiếu nại và không được giải quyết theo thủ tục khiếu nại.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!