Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự

Khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nộp đơn yêu cầu tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác. Vậy để khởi kiện vụ án dân sự, các chủ thể cần phải đáp ứng những điều kiện gì? Tại Điều 186 và Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 hiện không chỉ ghi nhận quyền khởi kiện vụ án dân sự mà còn quy định các điều kiện khởi kiện vụ án dân sự, cụ thể:

1. Về chủ thể khởi kiện

Chủ thể khởi kiện vụ án dân sự bao gồm cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định.

– Cá nhân:

+ Phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự đồng thời phải có quyền lợi bị xâm phạm hoặc có tranh chấp.

+ Đối với những cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng mà có quyền lợi cần phải được bảo vệ thì họ không thể tự mình khởi kiện vụ án mà phải do người đại diện thay mặt để thực hiện việc khởi kiện.

+ Cá nhân khi đã có năng lực chủ thể đầy đủ thì có thể tự mình khởi kiện hoặc ủy quyền cho một người khác có năng lực hành vi thay mặt mình khởi kiện (trừ việc ly hôn).

– Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác:

+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

+ Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.

+ Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

+ Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Vụ án được khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Tòa án có trách nhiệm hướng dẫn và giúp đỡ cho các chủ thể khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc khởi kiện phải đúng thẩm quyền xét xử về dân sự, cụ thể như sau:

– Vụ án được khởi kiện phải thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại các Điều 26, 28, 30, 32 BLTTDS năm 2015.

– Vụ án được khởi kiện phải đúng cấp Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại các Điều 35, 36, 37, 38 BLTTDS năm 2015.

– Vụ án được khởi kiện phải đúng thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ quy định tại Điều 39 BLTTDS năm 2015.

– Đối với những việc pháp luật quy định phải yêu cầu cơ quan khác giải quyết trước thì chỉ được khởi kiện khi các cơ quan hữu quan đã giải quyết mà chủ thể đó không đồng ý. Theo quy định của pháp luật hiện hành những việc này bao gồm:

+ Tranh chấp về quyền sử dụng đất:

Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định tranh chấp quyền sử dụng đất phải hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn. Nếu sau khi hòa giải mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì mới được khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết.

+ Tranh chấp lao động:

Theo quy định tại Điều 32 BLTTDS năm 2015 và Điều 201, 205 Bộ luật lao động năm 2012, đối với các tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải qua hòa giải viên lao động do cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cử tiến hành hòa giải; Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền phải qua Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết trước. Trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc quá thời hạn nhưng không được giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

3. Sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật.

Nếu sự việc đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam giải quyết bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự không được khởi kiện, trừ các trường hợp sau:

– Bản án, quyết định của Tòa án bác đơn xin li hôn;

– Yêu cầu xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, xin thay đổi người quản lí tài sản, thay đổi người quản lí di sản;

– Vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;

– Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

4. Vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự. Theo Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu”.

Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chố áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Nếu bạn có vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT: 024.6656.9980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.