Chủ Doanh nghiệp tư nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp khác?

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân là loại hình mà chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình, chính vì vậy doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần ( Khoản 4 Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014).

Bên cạnh đó, cũng tại khoản 3 Điều 183 Luật này cũng quy định: “Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.”

Như vậy, có thể thấy sở dĩ quyền vốn góp của doanh nghiệp tư nhân được quy định như trên là bởi: do quá trình hoạt động của DNTN, DNTN phải tự chịu trách nhiệm vô hạn đối về mọi hoạt động của doanh nghiệp, đây là mô hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân riêng biệt để tham gia vào các doanh nghiệp có sự tách biệt về tài sản cá nhân và tài sản như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hay công ty hợp danh.

=> Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng và đối tác, kể cả chủ nợ của các doanh nghiệp nên pháp luật quy định mỗi cá nhân chỉ được được thành lập một doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, đối với việc thành lập, góp vốn trong các doanh nghiệp khác thì pháp luật chỉ hạn chế quyền này đối với doanh nghiệp tư nhân mà chưa có quy định hạn chế đối với chủ doanh nghiệp tư nhân. Do đó, chủ doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.