Các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú theo Luật Cư trú năm 2020

Sáng 11/12/2020 Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, trong đó có Luật Cư trú năm 2020, gồm 7 chương 38 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Cư trú năm 2020 là quy định bổ sung thêm các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú.

Theo khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013, các trường hợp sau đây bị xóa đăng ký thường trú:

  1. Chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;
  2. Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;
  3. Đã có quyết định hủy đăng ký thường trú;
  4. Ra nước ngoài để định cư;
  5. Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.

Theo đó, khi đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới phải làm thủ tục xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.

Xóa đăng ký thường trú

Theo quy định tại Điều 24 của Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ 01/07/2021): ngoài các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú như hiện nay, có bổ sung 06 trường hợp xóa đăng ký thường trú:

– Trường hợp 1:

Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.

– Trường hợp 2:

Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

– Trường hợp 3:

Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp 5.

– Trường hợp 4:

Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhà và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp 5.

– Trường hợp 5:

Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

– Trường hợp 6:

Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 8, 9 Điều 2, “nơi thường trú” là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú; nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội về pháp luật cư trú. Nếu bạn có vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 024.6656.9980 hoặc Emailluatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.